Tăng cường trách nhiệm của Nhà quản lý – doanh nghiệp – truyền thông trong cuộc chiến chống rác thải nhựa

Để 'cuộc chiến' chống rác thải nhựa thành công, hoàn thành mục tiêu đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, doanh nghiệp đều cùng quan điểm phải có sự chung tay của toàn cộng đồng, trong đó, phải phát huy được vai trò và trách nhiệm của Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Truyền thông.

Rác thải nhựa - Thách thức hiện hữu với toàn cầu

Ngày 28/9, tại TP. Đà Nẵng diễn ra tọa đàm “Chung tay vì một cộng đồng không rác thải nhựa: Trách nhiệm Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Truyền thông” với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên & Môi trường, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, các cục, vụ liên quan và đại diện lãnh đạo 11 tỉnh thành khu vực miền Trung từ Thanh Hóa – Bình Định.

Các đại biểu đều đồng tình cho rằng rác thải nhựa đang là thách thức lớn của toàn cầu, và cần có sự chung tay của toàn cộng đồng để giải quyết thách thức này

Các đại biểu đều đồng tình cho rằng rác thải nhựa đang là thách thức lớn của toàn cầu, và cần có sự chung tay của toàn cộng đồng để giải quyết thách thức này

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều thống nhất rác thải nhựa đang là thách thức hiện hữu của thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, khoảng hơn 8,3 tỷ tấn nhựa đã được sản xuất, sử dụng; 60% trong số đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường và hiện đã trở thành sự đe dọa đối với môi trường thế giới.

Việc lạm dụng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường với môi trường. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, trung bình để phân hủy hoàn toàn các chất thải từ nhựa và ni lông phải mất hàng trăm, thậm chí tới nghìn năm. Rác thải nhựa nằm rất nhiều dưới đáy đại dương và sẽ trở thành một phần thức ăn đầu độc các sinh vật biển.

Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu. Giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra nhưng chỉ 27% số đó được tái chế. Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành bãi tập kết rác toàn cầu với lượng rác thải nhựa tăng đến 200% trong năm qua. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam qua mỗi năm đã tăng mạnh từ 3,8 kg trên mỗi đầu người lên mức 41,3 kg/người trong giai đoạn từ 1990 - 2018.

Tại TP. Đà Nẵng, rác thải nhựa được xác định là nguyên nhân chính gây nguy hại cho rạn san hô và sinh vật biển. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của thành phố này đang ở tình trạng xấu.

Cần sự chung tay

Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, cuộc chiến chống rác thải nhựa tại Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn và kéo dài, cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó, đặc biệt là vai trò và trách nhiệm của Nhà quản lý – Doanh nghiệp – Truyền thông.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng chống rác thải nhựa phải bắt đầu từ từng người dân, từng doanh nghiệp Việt Nam, trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng chống rác thải nhựa phải bắt đầu từ từng người dân, từng doanh nghiệp Việt Nam, trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh, việc triển khai chiến dịch chống rác thải nhựa tại TP. Đà Nẵng diễn ra rất thuận lợi vì Đà Nẵng đã có nền tảng 10 năm thực hiện chương trình Đà Nẵng – thành phố môi trường, trong đó, đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong “cuộc chiến” với rác thải nhựa, đã có những doanh nghiệp chủ động tiên phong trong các sáng kiến, lồng ghép các hoạt động giảm thiểu nhựa dùng một lần vào chiến lược phát triển và coi đó là giá trị cốt lõi cho sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp đó vẫn còn hạn chế, do đó việc huy động thêm các doanh nghiệp khác cùng tham gia trong thời gian sắp tới là vô cùng cần thiết.

Còn ông Phùng Văn Huy – Giám đốc Ecopark Hải Dương cho rằng để giảm thiểu rác thải nhựa có vai trò rất quan trọng của các nhà quản lý, các chính sách. “Sở dĩ việc chống sử dụng túi nilon, rác thải nhựa còn gặp nhiều khó khăn là do túi nilon quá rẻ, do tính tiện lợi của nhựa dùng một lần, và người tiêu dùng dùng xong không có ý thức gom lại xử lý. Chúng ta cứ đi nhặt rác rồi lại có người xả rác. Cần phải có chính sách để can thiệp mạnh mẽ hơn nữa, hướng đến thay đổi hành vi, nhận thức của người tiêu dùng”, ông Huy nói.

Theo ông Hoàng Văn Thức – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường), phong trào chống rác thải nhựa đang diễn ra mạnh mẽ và truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để thay đổi hành vi, ứng xử của cộng đồng đối với rác thải nhựa. Và công tác truyền thông đã và sẽ phải gắn liền với nỗ lực của toàn dân trong chống rác thải nhựa. Bên cạnh đó, theo ông Thức, ngoài sự nỗ lực của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền đến nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi đối với rác thải nhựa thì bản thân các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải nhận thức được vấn đề như trong quá trình sản xuất phải thân thiện với môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ để giảm thiểu những tác động tiêu cực ra môi trường. Ngoài ra, cần phải có những sản phẩm mới thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần.

Ở vị trí là một doanh nghiệp, ông Phan Thanh Bình – Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Petrolimex khu vực V cho biết tại Petrolimex việc thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, không sử dụng nước đóng chai sử dụng nhựa dùng một lần đã được triển khai thực hiện nhiều năm và đã đi vào nề nếp, ý thức chứ không chỉ dừng lại phong trào.

Đại diện các Sở, ban ngành, hiệp hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng ký cam kết hành động chống rác thải nhựa

Đại diện các Sở, ban ngành, hiệp hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng ký cam kết hành động chống rác thải nhựa

Ngay tại buổi tọa đàm, các đơn vị, hiệp hội trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã ký cam kết hành động chống rác thải nhựa trong thời gian tới.

Trong đó, đối với ngành Công Thương Đà Nẵng sẽ tập trung vào 4 trọng tâm gồm xây dựng kế hoạch và cam kết giảm sử dụng túi nilon trong ngành Công Thương; tuyên truyền vận động giảm thiểu sử dụng túi nilon tại các chợ truyền thống, siêu thị; có kế hoạch thí điểm mô hình chợ không sử dụng túi nilon đối với 1 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố; phát động phong trào ngày không sử dụng túi nilon ở các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-trach-nhiem-cua-nha-quan-ly-doanh-nghiep-truyen-thong-trong-cuoc-chien-chong-rac-thai-nhua-125845.html