Tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue
Sở Y tế Thanh Hóa vừa có công văn gửi Giám đốc các bệnh viện trên địa bàn tỉnh về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue (SXHD).
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến ngày 22-5-2022 cả nước ghi nhận 30.168 trường hợp mắc SXH, 13 trường hợp đã tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số bệnh nhân mắc chỉ là 25.582 ca, tử vong 5 ca.
Thực hiện Công văn số 613/KCB-NV, ngày 24-5-2022 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế về việc tăng cường triển khai thực hiện công tác điều trị SXHD, Giám đốc Sở Y tế đề nghị Giám đốc các bệnh viện trên địa bàn tỉnh chỉ đạo các khoa, phòng liên quan tuân thủ việc thu dung, điều trị người bệnh SXHD theo phân độ tại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn bù dịch theo hướng dẫn trên, không truyền dịch khi chưa có chỉ định. Khi không có dung dịch HES 200.000 dalton 6%, Dextran 40.000 10% tạm thời sử dụng dung dịch cao phân tử HES 130.000 dalton 6% hoặc Gelatin suceinylated 4% trong trường hợp có chỉ định sử dụng cao phân tử theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXHD ban hành kèm theo Quyết định số 3705/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tuân thủ chỉ định chuyển từ dung dịch cao phân tử sang dung dịch điện giải khi người bệnh sốc theo hướng dẫn tại Quyết định số 3705/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Khi sử dụng dung dịch cao phân tử trên phải theo dõi sát tình trạng đáp ứng điều trị và phát hiện sớm các diễn biến để kịp thời hội chẩn khoa, hội chẩn bệnh viện hoặc hội chẩn tuyến trên. Xem xét chỉ định truyền phối hợp dung dịch Albumin trong trường hợp sốc sốt xuất huyết Dengue thất bại với dung dịch cao phân tử kèm theo nồng độ albumin máu < 2,5 g/dl. Chỉ đạo các cơ sở tăng cường việc theo dõi người bệnh SXHD đang nằm nội trú trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh SXHD có diễn biến nặng lên. Ghi chép hồ sơ bệnh án đầy đủ, chi tiết.
Củng cố và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị SXHD" và “Đường dãy điện thoại nóng phòng, chống dịch SXHD” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để có thể thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết.
Thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe về cách nhận biết người bệnh sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nặng cần tái khám ngay, đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phun, diệt muỗi, phòng muỗi đốt cho người bệnh và người nhà người bệnh và nghiêm túc thực hiện việc báo cáo dịch theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế.