Tăng cường truyền thông chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
góp phần khẳng định và lan tỏa vai trò quốc sách hàng đầu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Hoàng Giang đề nghị các đơn vị của Bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông chính sách KH,CN&ĐMST của Bộ và ngành KH&CN một cách toàn diện, hiệu quả; đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các Luật KH&CN thời gian tới…
Trong 2 ngày (25-26/4), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức Hội nghị tập huấn "Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KH,CN&ĐMST " kết hợp chương trình thực tế tại Quảng Nam và Đà Nẵng.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nói chung và truyền thông báo chí về KH,CN&ĐMST nói riêng, đồng thời, tăng cường kết nối giữa Bộ KH&CN, các Sở KH&CN với các cơ quan thông tấn báo chí.
Công tác truyền thông KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời về chính sách mới, các thành tựu KH&CN; truyền thông những cách làm hay, mô hình tốt cũng như đưa ra phân tích, đóng góp về mặt chính sách cho sự phát triển chung của ngành KH&CN.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, thời gian qua, KH&CN đã từng bước khẳng định vai trò động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc. KH&CN hiện hữu trong tất cả các ngành, lĩnh vực, các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Theo Thứ trưởng, nhận thức đầy đủ về vai trò của KH,CN&ĐMST, đi đôi với sự quan tâm đúng mức, cụ thể, thiết thực của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị là vấn đề quan trọng hàng đầu để KH,CN&ĐMST có thể phát triển và thực hiện tốt sứ mệnh của mình. Để KH,CN&ĐMST thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, là nền tảng và động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng thì công tác truyền thông KH,CN&ĐMST đóng vai trò hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, công tác truyền thông KH,CN&ĐMST vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn. Trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu phát triển của KH,CN&ĐMST phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, còn nhiều nhiệm vụ quan trọng ngành KH&CN phải nỗ lực triển khai, trong đó có hoạt động truyền thông về KH,CN&ĐMST.
Bên cạnh việc đánh giá những mặt được trong công tác truyền thông KH,CN&ĐMST thời gian qua, Thứ trưởng cũng mong muốn thông qua Hội nghị thẳng thắn nhìn vào những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác này để có những giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Mai Dương, Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và ĐMST (Bộ KH&CN) cho biết, mặc dù đã có nhiều kết quả nhất định nhưng vai trò và đóng góp của ĐMST vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa tương xứng với mức độ phát triển quốc gia cũng như xu hướng chung của thế giới. Hiệu quả triển khai các chương trình, đề án để thúc đẩy ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là khuôn khổ, hành lang pháp lý chưa đầy đủ; sự chồng chéo, thiếu đồng bộ, thống nhất ở các văn bản luật.
Tới đây, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan làm rõ khái niệm, nội hàm về ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo, phân biệt với các chủ thể khác; thống nhất sử dụng các thuật ngữ trong hoạt động ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, thống nhất, đồng bộ hóa các cơ chế, chính sách hiện đang quy định phân tán trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau; áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đã được quy định để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ ĐMST và khởi nghiệp sáng tạo; bổ sung các quy định mới trong khuôn khổ pháp luật hiện hành... Trong quá trình này, rất cần sự phối hợp của các cơ quan báo chí để xã hội hiểu rõ hơn, đồng thời truyền cảm hứng và khát vọng sáng tạo trong cộng đồng; góp phần hình thành văn hóa ĐMST.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng nêu, công tác thông tin KH&CN đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực KH&CN và khởi nghiệp ĐMST. Thông qua việc quản lý và chia sẻ thông tin chính xác và kịp thời sẽ góp phần tạo nhận thức và tiếp cận công chúng rộng rãi về các dự án, sản phẩm, hoặc nghiên cứu trong lĩnh vực này. Qua đó thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST phát triển.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông KH&CN và khởi nghiệp ĐMST, phát triển thị trường KH&CN, nguồn tin KH&CN, truyền thông các chính sách đổi mới của thành phố... Từ đó, từng bước đưa thông tin KH,CN&ĐMST đến gần hơn với công chúng thông qua từng lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất cụ thể giúp Đà Nẵng ngày càng phát triển hơn.
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN ở Trung ương và địa phương cùng đại diện các cơ quan báo chí đã thảo luận, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả truyền KH,CN&ĐMST trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, để hoạt động truyền thông KH,CN&ĐMST thêm phong phú, sinh động và ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức các khóa tập huấn; tăng cường gắn kết, chia sẻ thông tin về các định hướng cơ chế chính sách, thành tựu, vấn đề thực tiễn đặt ra của ngành; xem xét, điều chỉnh quy định cung cấp thông tin theo hướng cởi mở, thuận lợi hơn; giao quyền cho các lãnh đạo cấp Vụ để kịp thời đáp ứng nhu cầu thông tin, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông KH,CN&ĐMST.
Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị của Bộ, các Sở KH&CN tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách về KH,CN&ĐMST, hoạt động xây dựng thể chế, pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi Luật KH&CN, các đạo luật chuyên ngành...