Tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về dịch vụ thẩm mỹ

Thời gian qua, ngành Y tế và các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nhằm chấm dứt tình trạng cung cấp dịch vụ thẩm mỹ không phép trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, các cơ sở làm đẹp 'chui' trên địa bàn tỉnh vẫn âm thầm hoạt động, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả khôn lường.

Nhân viên chăm sóc da cho khách hàng tại cơ sở chăm sóc sắc đẹp Kim Phượng Spa&Clinic.

Nhân viên chăm sóc da cho khách hàng tại cơ sở chăm sóc sắc đẹp Kim Phượng Spa&Clinic.

Phóng viên viên Báo Phú Thọ đã có cuộc phỏng vấn Thầy thuốc Ưu tú (TTƯT), bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Trần Minh Khánh - Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế Phú Thọ xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa đồng chí, hiện trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở thẩm mỹ đã được cấp phép? Số lượng cơ sở thẩm mỹ đủ điều kiện đó có đáp ứng được nhu cầu làm đẹp của Nhân dân trên địa bàn tỉnh hay không?

TTƯT, BS CKII Trần Minh Khánh:

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh mới có một số cơ sở khám, chữa bệnh công lập, 6 cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và có đủ điều kiện cho phép thực hiện một số danh mục kỹ thuật thuộc lĩnh vực thẩm mỹ (trong đó 1 cơ sở được cấp giấy phép hoạt động với hình thức phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 5 cơ sở với hình thức phòng khám chuyên khoa da liễu).

Phải thừa nhận rằng, hiện nay nhu cầu làm đẹp của người dân khá lớn. Với số lượng ít cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện được phép thực hiện một số danh mục kỹ thuật thuộc lĩnh vực thẩm mỹ như đã nêu là chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh.

PV: “Cung” chưa đáp ứng “cầu” có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các cơ sở làm đẹp dù không đủ điều kiện vẫn hoạt động “chui” hay không? Theo đồng chí, còn có nguyên nhân nào khác để các cơ sở làm đẹp không phép còn “đất diễn”?

TTƯT, BS CKII Trần Minh Khánh:

Số lượng cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện cung ứng dịch vụ thẩm mỹ còn ít là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó, song không phải là nguyên nhân chính. Có một số nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến tình trạng này, như: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kéo theo tình trạng quảng cáo bùng nổ tràn lan trên các trang mạng xã hội, trong đó nhiều quảng cáo sai sự thật, quảng cáo vượt quá năng lực của cơ sở, quảng cáo cung ứng dịch vụ với giá rẻ... để “tạo phễu” thu hút khách hàng; khi khách hàng tìm tới địa chỉ quảng cáo sẽ tiếp tục được tư vấn, tìm mọi cách để khách hàng bỏ chi phí cao cho các dịch vụ khác không được quảng cáo.

Nhiều người dân muốn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ để cải thiện hình ảnh song thiếu hiểu biết pháp luật về các quy định liên quan, có tâm lý ngại thực hiện tại các cơ sở hợp pháp đủ điều kiện do không thích công khai danh tính, một số khác thì mong muốn sử dụng dịch vụ giá rẻ, một số bị hiệu ứng tâm lý đám đông chi phối, bị người quen, thậm chí là người thân lôi kéo, chào mời...

Thêm vào đó, trên thị trường, việc trao đổi, mua bán các sản phẩm, các chất dùng trong thẩm mỹ, làm đẹp hoặc các chất như filler, botox quá dễ dàng, chưa được quản lý chặt chẽ. Hình thức răn đe, mức xử phạt vi phạm nhìn chung còn thấp so với lợi nhuận thu về nên các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ dù đã bị xử phạt nhưng vẫn sẵn sàng... tái phạm.

PV: Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Y tế sẽ có những giải pháp gì để chấm dứt hoạt động của các cơ sở làm đẹp không phép trên địa bàn tỉnh, thưa đồng chí?

TTƯT, BS CKII Trần Minh Khánh:

Sở Y tế đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 của Quốc hội; Nghị định số 96/2023/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản có liên quan; cử báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh báo cáo tại Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực y tế do UBND các huyện, thành, thị tổ chức. Sở Y tế cũng ban hành nhiều văn bản đôn đốc các phòng y tế tham mưu để UBND huyện, thị, thành tổ chức thực hiện các biện pháp quản lý dịch vụ thẩm mỹ.

Về kiểm tra, xử phạt, trong năm 2023, Sở Y tế đã kiểm tra, xử lý vi phạm 3 cơ sở vi phạm về dược, mỹ phẩm, cung cấp dịch vụ thẩm mỹ với tổng số tiền 63,5 triệu đồng, trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tổ chức kiểm tra liên ngành, xử phạt 1 cơ sở với số tiền 90 triệu đồng.

UBND các huyện, thị, thành cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan; triển khai các hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế; tổ chức kiểm tra một số cơ sở và xử phạt vi phạm, tuy nhiên số lượng chưa nhiều.

Thời gian tới, Sở Y tế chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh truyền thông; phối kết hợp liên ngành chặt chẽ trong nắm bắt tình hình, thanh tra, kiểm tra đột xuất; đấu tranh quyết liệt, xử lý nặng nhằm hạn chế, tiến tới loại bỏ triệt để vấn nạn này.

Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để phổ biến, giáo dục pháp luật về y tế; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở khám, chữa bệnh nói chung, cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ nói riêng, đồng thời tham mưu đẩy mạnh phân cấp cho địa phương trực tiếp quản lý đối với hình thức tổ chức này để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử phạt các cơ sở cố tình thực hiện các dịch vụ kỹ thuật can thiệp thẩm mỹ mà chỉ các bệnh viện, phòng khám thẩm mỹ, phòng khám da liễu được cấp phép mới được làm.

Người dân có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn kỹ càng các cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề và chuyên khoa phù hợp.

Người dân có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn kỹ càng các cơ sở thẩm mỹ có giấy phép hành nghề và chuyên khoa phù hợp.

PV: Truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân là giải pháp then chốt để ngăn chặn hiểm họa từ các cơ sở làm đẹp không phép. Theo đồng chí, những nội dung nào cần tập trung tuyên truyền để Nhân dân nắm rõ?

TTƯT, BS CKII Trần Minh Khánh:

Truyền thông sâu, rộng, thường xuyên, liên tục, hiệu quả để mọi người dân và cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp hiểu rõ quy định của pháp luật có liên quan, các điều kiện đảm bảo an toàn khi thực hiện thẩm mỹ, làm đẹp, sự nguy hiểm, hậu quả khó lường khi thực hiện thẩm mỹ, làm đẹp tại các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ “chui”... là đặc biệt quan trọng.

Cần khuyến cáo người dân lựa chọn sử dụng dịch vụ tại các cơ sở y tế công lập đã được phê duyệt thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ, làm đẹp; các phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa da liễu, cơ sở thẩm mỹ có uy tín đã được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Đặc biệt, với các thủ thuật, kỹ thuật thẩm mỹ có xâm lấn, người dân càng cần có sự tư vấn kỹ lưỡng và được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp, có giấy phép hành nghề, không nghe hoặc làm theo các thông tin quảng cáo không rõ nguồn gốc về các dịch vụ thẩm mỹ trên mạng xã hội.

Khuyến cáo người dân, các cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nghi ngờ cơ sở khám, chữa bệnh không phép, có bằng chứng cụ thể về các cơ sở triển khai dịch vụ thẩm mỹ “chui” trên địa bàn sinh sống, làm việc thì kịp thời thông tin, gửi bằng chứng về Phòng Y tế, Trung tâm Y tế huyện, thị, thành, đồng thời gửi về Sở Y tế qua số điện thoại đường dây nóng 0964.801.414 để có biện pháp xử lý hoặc phối hợp xử lý theo quy định.

Sở Y tế sẽ cập nhật, đăng tải thông tin những cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ được cấp phép trên trang thông tin điện tử của ngành. Sắp tới, Sở chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ số y tế bao gồm các thông tin đăng tải như: Tên cơ sở, địa chỉ hoạt động của cơ sở, họ tên chủ cơ sở, họ tên người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở, phạm vi chuyên môn và danh mục kỹ thuật được phép thực hiện, số lần được kiểm tra, các vi phạm phải bị xử phạt, số tiền bị xử phạt, chỉ dẫn đường đi tới địa điểm cơ sở đang hoạt động... Khi ứng dụng bản đồ số y tế được xây dựng hoàn chỉnh, người dân chỉ cần tải app “Bản đồ số y tế” về điện thoại di động thông minh là hoàn toàn có thể chủ động kiểm tra được các thông tin liên quan đến toàn bộ hoạt động của cơ sở.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Ngọc Tuấn (T/h)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/tang-cuong-truyen-thong-nbsp-nang-cao-nhan-thuc-ve-dich-vu-tham-my-218960.htm