Tăng cường truyền thông số trong tuyển sinh
Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, việc sử dụng kênh truyền thông số trong tuyển sinh các ngành đào tạo tại Trường Đại học Tiền Giang là xu hướng tất yếu. Hiện nay, Trường Đại học Tiền Giang đang sử dụng nhiều kênh truyền thông số để tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo, bao gồm website chính thức, fanpage Facebook và email. Các kênh này cung cấp thông tin về chương trình đào tạo, cơ hội việc làm và hoạt động của nhà trường.

Trường Đại học Tiền Giang đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông số.
Đặc biệt, Facebook là nền tảng thu hút nhiều thí sinh nhờ nội dung phong phú, dễ tiếp cận. Tuy nhiên, khảo sát thực tế, phần lớn sinh viên và phụ huynh đánh giá mức độ tương tác và lan tỏa chưa cao, do nội dung chưa thực sự hấp dẫn, thiếu chiến lược tối ưu hóa hiệu quả truyền thông.
Mặc dù đã triển khai nhiều kênh truyền thông số, nhưng việc ứng dụng trong tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo của Trường Đại học Tiền Giang vẫn còn nhiều hạn chế. Một số nội dung đăng tải còn mang tính chất truyền thống, chưa khai thác triệt để yếu tố thị giác và tương tác.
Ngoài ra, việc cập nhật thông tin chưa nhất quán, thiếu sự chuyên nghiệp trong thiết kế và trình bày nội dung. Đội ngũ phụ trách truyền thông chưa thích ứng với chuyển đổi số, dẫn đến hiệu quả tiếp cận thí sinh chưa như mong đợi.
Để nâng cao hiệu quả truyền thông số trong tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo, Trường Đại học Tiền Giang sẽ đổi mới nội dung theo hướng sáng tạo, đa dạng và bắt kịp xu hướng. Việc xây dựng các video ngắn giới thiệu ngành học, phỏng vấn giảng viên - sinh viên, hay chia sẻ câu chuyện thành công của cựu sinh viên sẽ giúp nội dung hấp dẫn hơn. Ngoài ra, cần đầu tư vào hình ảnh, đồ họa chuyên nghiệp, tạo ra các infographic dễ hiểu về chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp để thu hút sự quan tâm của thí sinh.
Bên cạnh việc sáng tạo nội dung, Trường Đại học Tiền Giang cần tối ưu hóa các công cụ quảng bá trực tuyến để nâng cao hiệu quả tiếp cận. Sử dụng quảng cáo Google Ads, Facebook Ads nhắm đúng đối tượng mục tiêu sẽ giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi. SEO website để cải thiện thứ hạng tìm kiếm trên Google cũng là giải pháp quan trọng. Hơn nữa, việc tận dụng Chatbot để tư vấn tự động, gửi email marketing cá nhân hóa sẽ giúp kết nối nhanh chóng với thí sinh, tạo cảm giác chuyên nghiệp và thân thiện.
Một trong những yếu tố quan trọng giúp truyền thông số hiệu quả là nâng cao năng lực đội ngũ phụ trách. Nhà trường cần tổ chức các khóa đào tạo về truyền thông số, quản lý nội dung đa nền tảng, sử dụng công cụ marketing online. Truyền thông số đóng vai trò quan trọng trong tuyển sinh các ngành, nghề đào tạo tại Trường Đại học Tiền Giang.
Dù còn nhiều hạn chế, nhưng với những giải pháp đổi mới như cải thiện nội dung, tối ưu hóa công cụ quảng bá và nâng cao năng lực đội ngũ, Trường Đại học Tiền Giang có thể nâng cao hiệu quả tuyển sinh. Trong thời gian tới, việc ứng dụng công nghệ AI, Big Data vào phân tích hành vi thí sinh, cá nhân hóa chiến lược tiếp cận sẽ giúp các ngành, nghề đào tạo của trường thu hút nhiều sinh viên hơn, khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục đại học.
Năm 2025, Trường Đại học Tiền Giang dự kiến tuyển sinh 17 ngành thuộc hệ Đại học chính quy, trong đó có 16 ngành Đại học ngoài Sư phạm, 1 ngành Đại học Sư phạm giáo dục tiểu học và 1 ngành Cao đẳng Sư phạm mầm non với tổng số 1.870 chỉ tiêu. Trường tuyển sinh trên phạm vi cả nước, riêng đối với ngành Sư phạm (hệ chính quy), trường chỉ tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu tỉnh Tiền Giang.