Tăng cường truyền thông về giảm nghèo bền vững

BHG - Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, huy động nguồn lực, đồng thời động viên, khơi dậy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo của người dân, các cấp, ngành của tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng về hình thức, phong phú, đầy đủ về nội dung Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2025; qua đó, tạo lan tỏa mạnh mẽ để thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo.

Cán bộ xã Tùng Bá (Vị Xuyên) tuyên truyền cho người dân về chương trình giảm nghèo bền vững.

Cán bộ xã Tùng Bá (Vị Xuyên) tuyên truyền cho người dân về chương trình giảm nghèo bền vững.

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kết quả rà soát hộ nghèo đầu năm 2022, toàn tỉnh có 79.102 hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, chiếm 42,08% số hộ toàn tỉnh. Nguyên nhân nghèo do: Thiếu đất sản xuất; không có vốn sản xuất, kinh doanh; không có lao động, công cụ, phương tiện, kiến thức về sản xuất. Đồng thời, các hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: Việc làm, dinh dưỡng trẻ em, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, nguồn nước sinh hoạt, dịch vụ viễn thông, phương tiện tiếp cận thông tin...

Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo phổ biến, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chương trình đến cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến, quán triệt các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo; nâng cao ý thức cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người dân, đặc biệt là nhóm đối tượng hưởng lợi từ Chương trình; các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025; nghị quyết, chương trình của T.Ư, của tỉnh; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh, chỉ đạo thực hiện Chương trình; công tác triển khai các các dự án giảm nghèo, mô hình giảm nghèo, gương điển hình tiên tiến trong nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình tại cơ sở.

Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, trong đó Báo Hà Giang và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh thường xuyên thực hiện các chuyên trang, chuyên mục giảm nghèo bền vững; các địa phương tổ chức sự kiện truyền thông, hội thảo, hội nghị, tập huấn, đối thoại chính sách, hội thi, sân khấu hóa, tuyên truyền tại chợ phiên, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số; truyền thông hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo kiến thức, kinh nghiệm sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông; xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác trên mạng xã hội, ứng dụng giải trí trên thiết bị thông minh để tăng tương tác và tham gia của người dân; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên truyền của cơ quan quản lý nhà nước, vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình; thường xuyên cập nhật các nội dung, thông tin về Chương trình, chính sách giảm nghèo lên trang thông tin điện tử các cấp, ngành.

Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 2 Truyền thông về giảm nghèo đa chiều (thuộc Dự án 6 Truyền thông và giảm nghèo về thông tin), tỉnh đã phân bổ kinh phí 1.227 triệu đồng cho Sở Lao động - TBXH, các địa phương xây dựng và thực hiện các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo; định hướng cho người dân tiếp cận, thụ hưởng Chương trình, dịch vụ xã hội cơ bản về dạy nghề, việc làm, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phối hợp với các cơ quan truyền thông xuất bản các bản tin, phóng sự, tuyên truyền về công tác giảm nghèo, giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững.

Công tác tuyên truyền sâu rộng đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, qua đó, đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác giảm nghèo. Đến hết năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm 5,17%, còn 49,95%, giảm 8.889 hộ nghèo và cận nghèo so với đầu năm, vượt chỉ tiêu T.Ư giao.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202302/tang-cuong-truyen-thong-ve-giam-ngheo-ben-vung-2f80b9e/