Tăng cường ứng phó, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản
Kiểm tra công tác ứng phó với mưa, lũ tại một số địa phương, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 3; khuyến cáo Nhân dân tuyệt đối không lơ là, nắm bắt tình hình diễn biến của thời tiết để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, phải đảm bảo an toàn cho mọi người dân trong vùng chịu ảnh hưởng bởi bão lũ.
Trước diễn biến phức tạp sau bão số 3, nhất là mực nước các sông hạ lưu đang dâng cao, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 3; chủ động khuyến cáo Nhân dân tuyệt đối không lơ là, chủ quan, nắm bắt tình hình diễn biến của thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng để có biện pháp ứng phó với mưa, lũ kịp thời, hiệu quả.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực, chủ động tham mưu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh xây dựng kịch bản di dời người dân ra khỏi những địa bàn xung yếu, có nguy cơ nước lũ dâng cao, bảo đảm an toàn về tính mạng cho người dân và cán bộ tham gia phòng, chống lụt, bão; bảo đảm nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian tránh lũ.
Chi cục Quản lý đê điều và Phòng, chống lụt bão Hưng Yên, các địa phương thực hiện nghiêm việc canh gác đê theo cấp báo động; thường xuyên tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố về đê điều ngay từ ban đầu; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ hoạt động của các bến đò dọc, ngang; yêu cầu chủ các phương tiện phải chấp hành các điều kiện bảo đảm an toàn cho hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động của những phương tiện không đủ điều kiện về an toàn theo quy định…
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, vào lúc 18 giờ ngày 10/9, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có Công điện khẩn số 03/CĐ-BCHPCTT về việc phát lệnh báo động II trên tuyến đê tả sông Hồng.
Mực nước trên sông Hồng hồi 17h ngày 10/9 tại Trạm thủy văn Hưng Yên là 6,46m (trên báo động 2 là 16cm) và tiếp tục lên. Căn cứ vào mực nước trên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phát lệnh báo động 2 trên tuyến đê tả sông Hồng kể từ 18h cùng ngày.
Công điện yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, thành phố Hưng Yên và các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh và các ngành, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ được phân công thực hiện việc canh gác đê theo cấp báo động; tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều.
Tăng cường kiểm tra, rà soát và chuẩn bị các loại vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương án hộ đê, triển khai các biện pháp phòng, tránh lũ, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, nhất là các khu vực dân cư ngoài bãi sông phải có biện pháp chủ động để bảo đảm an toàn cho người và tài sản, thường xuyên kiểm tra rà soát bảo đảm an toàn kịp thời các tuyến đê bối.
Là một trong những huyện nằm trong vùng cảnh bảo lũ, các lực lượng chức năng huyện Khoái Châu đã và đang tích thực hiện các biện pháp chống bão lũ, đồng thời hỗ trợ người dân thu dọn, bảo vệ tài sản trước nguy cơ lũ.
Để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã thành lập các tổ công tác kiểm tra, đôn đốc các xã có diện tích đất ở và đất canh tác ngoài đê triển khai lực lượng thực hiện nghiêm túc công tác tuần tra canh gác đê trên các tuyến đê. Theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều, đặc biệt chú ý các trọng điểm xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các cống qua đê. Rà soát công tác chuẩn vị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng xử lý, ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm an toàn cho công trình.
Thực hiện yêu cầu về phòng, chống lụt bão, lực lượng công an huyện Khoái Châu đã nêu cao tinh thần “vì dân phục vụ” cùng với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả giúp người dân sớm ổn định cuộc sống. Đây là yêu cầu chung của lực lượng Công an tỉnh, cũng như trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sỹ để cùng địa phương, cả nước vượt qua thiên tai an toàn
Đại tá Lê Văn Trưởng - Trưởng Công an huyện Khoái Châu
Là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia vào công tác phòng, chống lụt bão ngay từ khi có thông tin về cơn bão số 3, trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Đại tá Lê Văn Trưởng - Trưởng Công an huyện Khoái Châu cho biết: Công an huyện đã chủ động tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo an toàn trong tình hình bão lũ, cũng như đơn vị đã, đang trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống lụt bão.
Theo đó, trước, trong và sau khi bão Yagi đổ bộ, Công an huyện luôn duy trì ứng trực 100% quân số, bám tuyến 24/24h, triển khai nhiều biện pháp giúp Nhân dân chủ động ứng phó và thu dọn hậu quả mưa bão.
Để chủ động ứng phó với diễn biến thiên tai, ngay từ trước khi bão đổ bộ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Khoái Châu đã ứng trực 100% quân số, tăng cường tuần tra kiểm soát, nắm chắc tình hình trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến, các vị trí có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở; chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Ngay sau mưa bão và kéo dài đến nay, các tổ công tác đang ra quân thu dọn cây cối gãy đổ, cảnh báo, phân luồng giao thông và đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trên các tuyến đường.
Bên cạnh đó, các tổ công tác của Đội CSGT, Trật tự tăng cường tuần tra, kiểm soát nhất là các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực đường bị ngập, bến đò, phà, những điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở nguy hiểm để tổ chức hướng dẫn phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông, kiên quyết không cho người, phương tiện di chuyển khi không đảm bảo an toàn.
Lãnh đạo Công an huyện Khoái Châu cho biết, sau bão Yagi, tình hình mưa lớn, nước sông dâng cao ở mức báo động đe dọa trực tiếp đến an toàn của người dân cũng như hoạt động sản xuất. Do đó, đơn vị sẽ luôn bám sát tình hình thời tiết để cùng Nhân dân có các phương án ứng phó với sự cố và diễn biến bất thường xảy ra (nếu có).
Ứng trực 100% quân số, bám tuyến 24/24h với phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả), các cán bộ, chiến sĩ CSGT Công an huyện Khoái Châu đã nêu cao tinh thần “vì dân phục vụ” cùng với chính quyền địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.