Tăng cường và làm sống động quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Hungary
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, thăm chính thức Hungary và Romania từ ngày 16 - 23/1/2024.
Sau khi kết thúc tham dự Hội nghị WEF tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phu nhân và Đoàn sẽ thăm chính thức Hungary theo lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán. Đây là hoạt động trao đổi đoàn ở cấp Thủ tướng Chính phủ đầu tiên giữa Việt Nam và Hungary trong 7 năm qua.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Lê Minh Triết, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù tuy cách xa nhau về mặt địa lý nhưng do hoàn cảnh lịch sử, hai dân tộc Việt Nam - Hungary đã đến với nhau, hiểu nhau và trở thành bạn bè một cách tự nhiên. Hungary là một trong những nước đầu tiên công nhận nước Việt Nam độc lập. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 3/2/1950, chỉ chưa đầy 5 năm sau khi nước Việt Nam tuyên bố độc lập và ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Hungary năm 1957 đã đặt nền móng vững chắc cho tình hữu nghị tốt đẹp giữa nhân dân hai nước. Từ cách đây hơn 20 năm, Hungary đã đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên nhận viện trợ phát triển.
Trong suốt chiều dài hơn 73 năm qua, Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ quý báu mà nhân dân Hungary đã ủng hộ Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, trong đó nổi bật là phong trào “Việt Nam, chúng tôi bên cạnh các bạn”, Hungary đã tổ chức nhiều đợt hiến máu và quyên góp vật chất giúp Việt Nam.
Hungary cũng đã tham gia Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế (ICCS) thực hiện Hiệp định Paris về Việt Nam. Trong khoảng thời gian từ ngày 26/1/1973 - 9/5/1975, Hungary đã cử 636 quân nhân, lính biên phòng, nhân viên dân sự và ngoại giao thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Việt Nam, trong đó có 2 người hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vào tháng 4/1973. Cùng với đó, Hungary đã đào tạo cho Việt Nam gần 3.500 cán bộ khoa học kỹ thuật… và xóa cho Việt Nam các khoản nợ từ năm 1973 trở về trước. Đây là biểu hiện sinh động của mối quan hệ hữu nghị giữa 2 nước.
Là một trong những thành viên của nhóm công tác đầu tiên thuộc phái đoàn Hungary tham gia Ủy ban Kiểm soát và Giám sát quốc tế (ICCS), ông Botz László, Chủ tịch Hội Hữu nghị Hungary - Việt Nam cho biết khi đặt chân đến Hà Nội lần đầu tiên cách đây hơn 50 năm, giữa khung cảnh đổ nát do bị máy bay B52 của đế quốc Mỹ ném bom rải thảm, ấn tượng tốt đẹp trên những khuôn mặt người dân Thủ đô Hà Nội lúc đó đã mang đến cho ông cảm nhận người dân Việt Nam có niềm tin vào hòa bình đang đến.
“Cảm xúc khi lần đầu tiên đặt chân tới Hà Nội đúng 50 năm trước đã theo tôi suốt cuộc đời. Đó là tình yêu từ cái nhìn đầu tiên của tôi với đất nước, với con người Việt Nam. Do đó, trong tất cả thời gian qua, thời gian tôi làm nhiệm vụ ở Việt Nam cho tới những năm sau này, tôi vẫn luôn sẵn lòng quay trở lại Việt Nam bất kỳ lúc nào để gặp gỡ, tiếp xúc với những con người tuyệt vời”, ông Botz László chia sẻ.
Tình cảm của ông Botz László có lẽ cũng chính là tình cảm chung của đa số người dân Hungary qua nhiều thế hệ đối với đất nước, con người Việt Nam.
Quan hệ truyền thống hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước có bước phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, được cụ thể hóa qua các hoạt động trao đổi đoàn các cấp. Trong đó, chuyến thăm chính thức Hungary của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2018, đánh dấu hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện. Cho đến nay, Hungary là Đối tác toàn diện duy nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông Âu.
Tại cuộc họp báo chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyên bố nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết Hungary thực thi chính sách mở cửa “hướng Đông”, nhằm thích nghi với sự thay đổi của tình hình thế giới, trong đó có việc xây dựng quan hệ hợp tác chiến lược với Việt Nam.
Thủ tướng Viktor Orban nhấn mạnh: “Sự thành công của Việt Nam đối với chúng tôi là điều rất đáng mừng cho thấy một quốc gia có thể thành công và chỉ thành công nếu biết dựa trên những điều kiện và bản sắc văn hóa, chính trị phù hợp, tạo nên nền tảng phát triển cho dân tộc của mình”.
Mới đây, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh COP28 tại UAE (12/2023), Tổng thống Hungary Katalin Novak cũng nhấn mạnh Hungary luôn đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam nói chung và của cộng đồng người Việt ở Hungary nói riêng; khẳng định Hungary cam kết duy trì cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu ở Hungary.
Quan hệ chính trị ngày càng sâu sắc trên cơ sở tin cậy và hiểu biết lẫn nhau đã tạo nền tảng vững chắc mở ra cơ hội tốt đẹp các mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư... Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước, kim ngạch xuất, nhập khẩu lần đầu đạt trên 355 triệu USD năm 2017 và sau 6 năm, con số này đã tăng hơn gấp 2 lần (11 tháng của năm 2023 đạt 785 triệu USD). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước duy nhất xuất khẩu sang Hungary với sản lượng lớn.Điều này cho thấy thị trường Hungary rất tiềm năng và có nhiều cơ hội phát triển.
Hai bên đang đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương thông qua tiếp tục triển khai đẩy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); nâng cao hiệu quả cơ chế Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau vào thị trường mỗi bên; khuyến khích các doanh nghiệp Hungary đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Hungary có thể mạnh như dược phẩm, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo...
Hungary là một trong những quốc gia thành viên EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).
Đến nay, phía Việt Nam đã đàm phán và ký kết với phía Hungary 3 Hiệp định khung về hợp tác tài chính, với tổng trị giá 535 triệu Euro để thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển. Đây là khoản tài chính lớn được Hungary cung cấp cho một quốc gia trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động, khó khăn cho thấy mong muốn và chiến lược dài hạn của nước bạn trong việc tăng cường hợp tác với đối tác tin cậy ở Đông Nam Á.
Những kết quả tốt đẹp trong hợp tác quốc phòng - an ninh, y tế, giáo dục - đào tạo, giữa các địa phương… thông qua nhiều hiệp định về kinh tế, nông nghiệp, khoa học - công nghệ, môi trường, năng lượng, tư pháp, khuyến khích và bảo hộ đầu tư… đã giúp thắt chặt quan hệ toàn diện giữa hai nước. Hungary là nước duy nhất tại Đông Âu liên tục tăng số lượng học bổng dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam và hiện lên đến con số 200 suất. Đây là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là điểm sáng trong quan hệ hai nước thời kỳ mới.
Cộng đồng khoảng 6.000 người Việt sinh sống, học tập và làm việc tại Hungary cũng là một trong những cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ song phương.
Hungary cũng là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ Việt Nam hàng trăm nghìn liều vaccine phòng COVID-19 cùng nhiều trang thiết bị y tế, góp phần giúp Việt Nam sớm vượt qua dịch bệnh và mở cửa, phục hồi kinh tế...
Có thể thấy, những kết quả hợp tác đầy triển vọng suốt hơn 7 thập kỷ qua là cơ sở vững chắc để Việt Nam và Hungary tiếp tục hướng tới tương lai. Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ sẽ góp phần gia tăng hơn nữa tin cậy chính trị, tăng cường và làm sống động quan hệ hữu nghị truyền thống, tích cực hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam với Hungary; thúc đẩy và đưa những lĩnh vực hợp tác truyền thống sang một giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước; thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh; thắt chặt hơn nữa tình cảm hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Hungary.