Tăng cường xóa mù chữ cho người dân ở Bình Gia, Lạng Sơn
Để thực hiện hiệu quả công tác xóa mù chữ ở địa bàn huyện Bình Gia, Phòng GD&ĐT đã đẩy mạnh tuyên truyền và linh hoạt trong tổ chức lớp học.
Tăng cường xóa mù chữ
Bình Gia là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Các xã có tỉ lệ người mù chữ cao. Do đó trước khi mở lớp, Phòng GD&ĐT đã thực hiện rà soát lại danh sách người mù chữ trên địa bàn huyện trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi để có kế hoạch huy động học viên ra lớp.
Tổ chức các lớp học xóa mù linh hoạt, căn cứ vào tình hình cụ thể của người học và địa phương nhằm tổ chức lớp và xây dựng chương trình dạy học thực hiện theo Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Ban hành Chương trình xóa mù chữ.
Năm học 2023, toàn huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) có 129 học viên tham gia các lớp xóa mù chữ. Phòng GD&ĐT đã tổ chức 11 lớp tại bốn xã. Trong đó, xã Thiện Hòa 3 lớp; xã Yên Lỗ 3 lớp; xã Quý Hòa 3 lớp và xã Hồng Phong 2 lớp. Các lớp sẽ học từ thứ 2 đến thứ 7.
Theo chia sẻ của bà Hà Thị Thùy Dương - Phó Phòng GD&ĐT Bình Gia: “Học viên tham gia lớp xóa mù là những lao động chính trong gia đình. Vì vậy, chúng tôi bằng nhiều hình thức khác nhau để vận động, tổ chức lớp học linh hoạt. Đặc biệt, chúng tôi phối hợp với chính quyền xã, già làng, trưởng bản, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đến tận nhà vận động học viên đi học”.
Để các lớp học hiệu quả, Phòng đã cùng với các đơn vị trước khi vào học sẽ cho học viên làm các bài kiểm tra trình độ đọc, viết, tính toán nhằm nắm bắt những khó khăn của học viên để từ đó xây dựng kế hoạch thực hiện những lớp xóa mù chữ phù hợp.
“Học viên tham gia các lớp xóa mù sẽ được cung cấp về bút, vở, tài liệu học tập,… có phòng học đủ ánh sáng, thoáng mát, đảm bảo an toàn cho người học. Đội ngũ giáo viên tham gia dạy là cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn xã.
Họ là những người có kinh nghiệm giảng dạy lâu năm. Đặc biệt, chúng tôi ưu tiên các giáo viên sinh sống trên địa bàn giảng dạy nhằm thuận tiện đi lại cũng như hỗ trợ cho học viên tốt nhất”, bà Thùy Dương cho biết thêm.
Phối hợp với các trung tâm học tập cộng đồng tổ chức lớp xóa mù
Không chỉ phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn tổ chức lớp xóa mù chữ mà Phòng GD&ĐT còn kết với trung tâm học tập cộng đồng 19/19 xã, thị trấn để vận động, tổ chức lớp.
Các Trung tâm học tập cộng đồng sẽ được tham gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử, lưu trữ cơ sở dữ liệu xóa mù chữ do Sở GD&ĐT tổ chức.
Bên cạnh những thuận lợi, bà Thùy Dương đã chỉ ra những hạn chế mà Phòng GD&ĐT Bình Gia phải đối mặt trong quá trình tổ chức lớp xóa mù như một số Trung tâm học tập cộng đồng thay đổi nhân sự do nghỉ chế độ hoặc luân chuyển công tác nên những nhân sự mới nhận nhiệm vụ còn lúng túng, hạn chế về kinh nghiệm, năng lực tin học...
Người mù chữ thường trong độ tuổi lao động, một số đi làm ăn xa. Nhiều người tự ti, mặc cảm dẫn đến khó khăn trong việc huy động đến lớp. Dân cư sống không tập trung, người dân còn ngại đi lại đến địa điểm mở lớp.
Giáo viên tham gia dạy cơ bản đã đủ định mức giờ dạy theo quy định, việc bố trí dạy sẽ bị thừa giờ nên kinh phí chi thừa giờ cho giáo viên ở các đơn vị trường còn gặp khó khăn. Đối với giáo viên tham gia dạy trong thời gian nghỉ hè (tháng 6, 7, 8) thì định mức tính thêm giờ chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Phòng GD&ĐT đặc biệt chú trọng đến công tác xóa mù chữ, đối với những học viên khó khăn chúng tôi sẽ tìm mọi cách, phối hợp với địa phương để hỗ trợ làm sao cho học viên tham gia lớp học đầy đủ. Để hạn chế tình trạng tái mù quá trình học, chúng tôi xây dựng nhiều chủ đề, hoạt động giao tiếp để học viên được sử dụng tiếng Việt nhiều hơn”, bà Hà Thị Thùy Dương - Phó Phòng GD&ĐT Bình Gia cho biết.