Tăng đại biểu Hội đồng Nhân dân chuyên trách là giải pháp quan trọng

Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, khối lượng công việc của HĐND TP sẽ tăng đáng kể, do đó, yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND TP phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi):

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quốc hội

Tăng đại biểu Hội đồng Nhân dân là cần thiết

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Sửu – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, TP Hà Nội có vị trí, vai trò là thủ đô của đất nước, là trái tim, bộ mặt của quốc gia. Vì vậy, yêu cầu về quản lý mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của TP không đơn thuần tương tự với các địa phương khác.

Về cơ cấu tổ chức số lượng đại biểu HĐND TP ở Điều 9, nếu xét về tỷ lệ hiện nay thì tỷ lệ đại biểu HĐND TP/dân số Thủ đô đang ở mức là 90.000 người/đại biểu, trong khi bình quân chung của cả nước của chúng ta là 26.500 người/đại biểu. Mặt khác, việc không tổ chức HĐND phường, số lượng đại biểu HĐND các cấp của TP đã giảm đi đáng kể và tới đây sẽ tiếp tục giảm khi một số huyện của TP phát triển thành quận. Việc tăng số lượng đại biểu chuyên trách cũng cần phải bố trí, phân công nhiệm vụ làm việc trong các ban của HĐND để làm việc thường xuyên, liên tục, giúp thực hiện công việc theo dõi, giám sát và chuẩn bị các nội dung, công việc trình HĐND và Thường trực HĐND. Riêng đối với nội dung quy định là phó trưởng ban và các ủy viên do Thường trực HĐND TP phê chuẩn khoản 3 Điều 9 cần xem xét, tính toán kỹ để bảo đảm các nguyên tắc về bầu cử.

Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho biết, đề xuất tại Điều 9 của dự thảo là có cơ sở phù hợp, qua việc xem xét, đánh giá, dự báo tác động của một số giải pháp cần thiết nhằm nâng cao năng lực, tính chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động của HĐND. Trong thời gian tới, khối lượng công việc của HĐND TP sẽ tăng đáng kể, do đó, yêu cầu đặt ra là cơ cấu tổ chức, bộ máy của HĐND TP phải đủ mạnh để không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động, nhất là chất lượng giám sát, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Việc tăng số lượng đại biểu HĐND giúp mở rộng, tăng tính đại diện, đặc biệt của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, tăng tỷ lệ đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách là giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng hoạt động, tính chuyên nghiệp của HĐND TP.

Đại biểu Trần Chí Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Trần Chí Cường - đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng. Ảnh: Quốc hội

Phân cấp phân quyền cho Hà Nội

Cùng góp ý về vấn đề trên, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc mở rộng lĩnh vực HĐND TP được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn do áp dụng trên địa bàn TP không phân biệt nội thành, ngoại thành và quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện đối với một số công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết. Đồng thời xác định cụ thể điều kiện, phạm vi áp dụng của HĐND TP để thực hiện.

HĐND TP phải có quy định chi tiết, cụ thể loại hình nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng và vi phạm sẽ ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước. Vì dịch vụ điện, nước là một nhu cầu rất thiết yếu đối với người dân, nếu ngừng cung cấp sẽ khó trong hoạt động, không phải chủ DN mà có liên quan đến những người hoạt động trong cơ sở đó. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên quan tâm hơn trong lĩnh vực này, để làm sao áp dụng cho đúng và không để cán bộ thuộc quyền sử dụng tùy tiện sẽ mất lòng đối với người dân.

Đại biểu Khương Thị Mai – đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định cho rằng, dự thảo luật có nhiều nội dung thể hiện tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên một số lĩnh vực, thể chế hóa kịp thời chỉ đạo, kết luận của Trung ương và của Bộ Chính trị. Việc phân cấp, phân quyền này là cơ sở pháp lý và để chính quyền TP Hà Nội chủ động, quyết liệt hơn trong việc đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để đảm đương các nhiệm vụ, quyền hạn được giao như yêu cầu của Bộ Chính trị. Các nội dung về phân cấp, phân quyền, tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo luật.

Công Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tang-dai-bieu-hoi-dong-nhan-dan-chuyen-trach-la-giai-phap-quan-trong-382636.html