Tăng đàn gia cầm để bù thiếu hụt nguồn heo
Khoảng 2 tuần nay, heo hơi liên tục nhích giá, hiện thương lái đang đưa ra mức giá mua tại trại từ 38-41 ngàn đồng/kg tùy loại. Giá heo tăng do nhu cầu tiêu thụ thịt heo của thị trường hồi phục trong khi nguồn cung bị thiếu hụt do dịch tả heo châu Phi.
Dự báo trong thời gian tới, giá heo còn tiếp tục tăng cao do thiếu nguồn cung. Đồng Nai đã chủ động xây dựng phương án sẵn sàng tăng đàn gia cầm để có nguồn thực phẩm thay thế trong trường hợp thiếu thịt heo.
* Giá heo tăng từng ngày
Chỉ trong thời gian ngắn, giá heo hơi bán tại trại tăng lên từ 10-12 ngàn đồng/kg so với tháng trước đó. Dự báo thời gian tới, giá heo hơi còn tiếp tục tăng do nguồn cung thiếu hụt.
Ông Trần Văn Minh, thương lái chợ đầu mối Tân Xuân (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Vài tuần gần đây, đặc biệt trong những ngày gần đây, giá heo tăng từng ngày, có khi sáng mới tăng, chiều đã tiếp tục lên mức giá mới. Nguyên nhân là do lượng heo về chợ liên tục tăng vì thị trường tiêu thụ thịt heo đã dần hồi phục. Một lý do khác là do dự báo nguồn cung heo thịt sẽ thiếu hụt trong thời gian tới do ảnh hưởng bởi dịch tả heo châu Phi”.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, đa số các trại nuôi heo nhỏ lẻ bỏ đàn chủ yếu chuyển sang chăn nuôi gia cầm. Đứng đầu trong danh sách được lựa chọn là mô hình nuôi vịt theo hướng công nghiệp do nhu cầu tiêu thụ loại thịt này tốt nên giá ổn định ở mức khá cao. Ngoài ra, mặt hàng gà ta thả vườn cũng được đầu tư nhiều, dần chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô lớn cả chục ngàn con. Theo đó, nguồn cung các sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh khá dồi dào. Hiện giá vịt bán tại trại dao động từ mức ở 38-40 ngàn đồng/kg; gà ta thả vườn từ 50-55 ngàn đồng/kg; giá gà công nghiệp từ 24-26 ngàn đồng/kg.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai so sánh, ngày 11-6, Đồng Nai cung cấp khoảng 5,8 ngàn con heo/đêm về chợ đầu mối TP.Hồ Chí Minh, ngày trước đó là 5,5 ngàn con và vài ngày trước đó nữa là 5,2 ngàn con. Mức tiêu thụ thịt heo tại chợ đầu mối tăng nhanh cho thấy sức tiêu thụ mặt hàng thịt heo đang hồi phục tốt. Tuy do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi bỏ đàn hoặc giảm đàn nhưng nguồn heo trên địa bàn tỉnh vẫn rất dồi dào, đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội tỉnh và TP.Hồ Chí Minh.
Theo đó, có nhiều thông tin cho thấy tại nhiều tỉnh phía Bắc giá heo tăng nhanh do thiếu nguồn cung, tuy nhiên hiện vẫn chưa có thương lái đưa heo ra Bắc vì mức giá chênh lệch giữa 2 miền Nam - Bắc chưa cao, thủ tục kiểm dịch lại rất khắt khe. “Trước mắt, nguồn cung thịt heo của Đồng Nai cho thị trường vẫn đảm bảo. Giá heo chỉ tiếp tục tăng cao do thị trường chỉ cung không đủ cầu trong trường hợp diễn biến dịch tả heo châu Phi còn tiếp tục lan rộng; miền Bắc khan hàng phải tăng mạnh mua heo từ miền Nam” - ông Đoán dự báo.
Dự báo thị trường sẽ bị thiếu hụt nguồn thịt heo do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi, vào giữa tháng 4-2019, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã tổ chức hội nghị đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm thay thế cho nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong nước. Vì trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể phải dai dẳng, ngành hàng thịt heo cần hằng năm dài để khôi phục nên nguy cơ thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương nói: “Sở Công thương đã làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án có những nguồn thực phẩm thay thế kịp thời trong trường hợp thị trường bị thiếu hụt thịt heo. Nhiều doanh nghiệp đều đã chủ động kế hoạch tăng đàn gia cầm, đảm bảo nguồn cung trong trường hợp nhu cầu thị trường tăng lên”.
* Đón đầu thị trường
Trong khi đó, ngành chăn nuôi gia cầm đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt. Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai cho biết, hiện tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đã đạt 27 triệu con, tăng hàng triệu con so với cùng kỳ năm ngoái do thời gian qua, Đồng Nai có thêm nhiều dự án đầu tư mới trong chăn nuôi gà công nghiệp.
Một số doanh nghiệp cũng mở rộng quy mô trang trại và dây chuyền giết mổ gia cầm vì thị trường tiêu thụ tốt. Mảng chăn nuôi gà ta thả vườn cũng a9ã chuyển hướng theo quy mô công nghiệp. Theo ông Quang thì hiện trong 1 năm, các trang trại có thể nuôi được từ 4-5 lứa gà công nghiệp. Nếu nhu cầu thị trường về sản phẩm thịt gà tăng cao thì người chăn nuôi dễ dàng tăng lứa, tăng sản lượng đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Dưới góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Phi Long, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình (TP.Hồ Chí Minh), doanh nghiệp đi tiên phong đầu tư hệ thống trang trại nuôi gà VietGAP và cơ sở giết mổ tại Đồng Nai lại bày tỏ lo ngại: “Từ đầu năm đến nay, thịt gà, thịt heo đông lạnh nhập khẩu ồ ạt về các chợ đầu mối tại TP.Hồ Chí Minh. Nhiều doanh nghiệp cũng đầu tư tăng đàn mạnh nên giá thịt gà bán ra thị trường ở mức người chăn nuôi chỉ huề vốn hoặc đạt lợi nhuận thấp. Vì vậy, áp lực cạnh tranh của ngành chăn nuôi gia cầm ngày càng lớn, thị trường thịt gà sẽ khó có mức giá cao, lợi nhuận lớn như kỳ vọng của người chăn nuôi”.