Tăng 'đề kháng', giúp người trẻ không 'lầm đường, lạc lối'

Đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội ở độ tuổi từ 18-30 chiếm tỷ lệ cao. Thời gian qua, còn có nhiều vụ việc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên gây ra.

Hàng chục thanh niên bị đưa về trụ sở công an làm việc vì sử dụng ma túy trong quán karaoke (Ảnh tư liệu)

Hàng chục thanh niên bị đưa về trụ sở công an làm việc vì sử dụng ma túy trong quán karaoke (Ảnh tư liệu)

Lo người trẻ dính vào tệ nạn, vi phạm pháp luật

Những băng trộm, cướp "nhí"; người trẻ phạm tội; nhiều nam, nữ tuổi 18, đôi mươi "phê" ma túy trong khách sạn, quán karaoke, vũ trường; tội phạm có xu hướng trẻ hóa,... là những thông tin chẳng còn xa lạ. Như nhiều địa phương trong cả nước, những năm qua, tại tỉnh xảy ra nhiều vụ việc người trẻ vi phạm pháp luật, gây án manh động, liều lĩnh gây bức xúc trong dư luận. Đến nay, nhiều người dân tại thị trấn Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh vẫn còn bàng hoàng khi nhắc đến vụ “hỗn chiến” giữa 2 nhóm thanh niên xảy ra khoảng 2 năm trước. Hôm đó, 2 nhóm thanh niên tuổi đời còn trẻ hẹn gặp và xảy ra cự cãi rồi lao vào đánh nhau. Lúc này, 1 thanh niên dùng dao đâm các thanh niên bên nhóm đối thủ làm 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Còn tại huyện Đức Hòa, cách đây chưa lâu, công an bắt được 4 đối tượng trộm chuyên nghiệp (tạm trú tại một khu nhà trọ ở xã Đức Hòa Đông). Nhóm trộm này gồm cả nam lẫn nữ từ 17-25 tuổi, tổ chức trộm liên tỉnh. "Qua điều tra, xác minh, chỉ trong vòng 3 tháng, nhóm này đã thực hiện 7 vụ trộm đồ thờ cúng có giá trị ở các địa bàn 5 tỉnh: Long An, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre và Tây Ninh” - Thượng tá Nguyễn Sơn - Trưởng Công an huyện Đức Hòa, cho biết.

Ngoài những vụ này, thời gian qua, công an còn phát hiện, bắt quả tang nhiều thanh niên nam, nữ đang "phê" ma túy trong khách sạn, quán karaoke hoặc tham gia đánh bạc dưới các hình thức. Lối sống sa đọa của một số người trẻ còn xảy ra ngay cả trong thời gian giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp N.T.L. là một trong nhiều người trẻ bị phát hiện tụ tập với nhóm bạn trong quán karaoke tại địa bàn huyện Bến Lức để sử dụng ma túy. Ít ai nghĩ rằng, cô gái trẻ mới chừng 20 tuổi nhìn hiền lành, xinh đẹp lại thường xuyên tụ tập đua đòi ăn chơi và có cách nói năng rất “giang hồ”, hành xử lỗ mãng.

Theo một điều tra viên, cũng vì dính vào tệ nạn, sống buông thả, ăn chơi đua đòi nên nhiều thanh niên, kể cả nam và nữ trở thành tội phạm với các hành vi vi phạm như cướp giật, trộm cắp, gây thương tích, giết người, hiếp dâm, đánh bạc, buôn bán ma túy,... Theo đó, hiện nay, nhiều phụ huynh cũng rất lo sợ con sẽ bị sa ngã vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật.

Giáo dục thanh, thiếu niên học tốt, sống đẹp

Có nhiều nguyên nhân tác động dẫn đến một bộ phận thanh, thiếu niên sống buông thả, vi phạm pháp luật, phạm tội. Trong đó, có lý do đua đòi, bị rủ rê, lôi kéo; thiếu sự quan tâm giáo dục, quản lý của gia đình; ảnh hưởng của văn hóa phẩm đồi trụy, trò chơi bạo lực; bị suy sụp do cha mẹ ly hôn, bị bạo hành,... Mặt khác, một số thanh, thiếu niên chỉ biết hưởng thụ, xem nhẹ thành quả lao động. Ngoài ra, tuổi trẻ dễ hiếu thắng, bốc đồng, thiếu kỹ năng sống, kiến thức pháp luật còn hạn chế nên dễ phạm pháp.

Theo Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, thời gian qua, công an đã ngăn chặn, giải tán nhiều nhóm thanh niên tụ tập có biểu hiện thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, phòng, chống thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật được công an và các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm thực hiện xuyên suốt với nhiều giải pháp, cách làm, hình thức khác nhau nhằm tạo được chuyển biến tích cực, hiệu quả cao. Chị Lê Thị Lệ (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cho rằng, gia đình là tế bào của xã hội, để con không có lối sống hưởng thụ, thờ ơ, vô cảm thì phải giáo dục con thấy được giá trị của lao động bằng việc tạo thói quen, niềm hăng say làm việc, lao động.

Về phía ngành Giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, nhân cách cho học sinh. Để có tính thuyết phục cao, ngành Giáo dục thường xuyên phối hợp các ngành, nhất là Công an để tuyên truyền pháp luật cho học sinh, tổ chức các phiên tòa giả định.

Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, lực lượng Công an tỉnh thường xuyên tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Để đạt hiệu quả cao, ngành đã xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và người dân tham gia. Qua các cách làm này, công an tiếp nhận được nhiều nguồn tin tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội để kịp thời đấu tranh, triệt xóa.

Không chỉ ngành Công an mà thời gian qua, các cấp, các ngành, đoàn thể triển khai, thực hiện nhiều mô hình phòng ngừa, trợ giúp người trẻ không vi phạm pháp luật, người có quá khứ lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Điều phấn khởi, có nhiều thanh niên lêu lổng, hay tụ tập gây rối, sử dụng ma túy đã được giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Mặt khác, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng quan tâm tổ chức thực hiện những hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên tham gia. Khi đoàn viên, thanh niên được sống, học tập và vui chơi, trải nghiệm trong một môi trường tốt thì kỹ năng ứng xử, nhận thức, lý tưởng sống đúng đắn, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng cũng được nâng lên.

"Khi người trẻ xác định được chí hướng để nỗ lực, phấn đấu, sống đẹp thì sẽ có thêm nhiều quyết tâm để ra sức học tập, rèn luyện, trưởng thành, xây đắp tương lai. Điều đó cũng có nghĩa sẽ giúp người trẻ có thêm kỹ năng, "đề kháng" để không "lầm đường, lạc lối" và biết tránh xa những cạm bẫy, cám dỗ, sa ngã, tệ nạn" - ông Nguyễn Văn Thành (xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa) có con trai ngoài 20 tuổi bày tỏ./.

Lam Hồng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tang-de-khang-giup-nguoi-tre-khong-lam-duong-lac-loi--a131577.html