Tăng điểm chóng mặt sau phúc khảo môn thi trắc nghiệm: Lỗi do đâu?
Hàng loạt bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2019 sau khi phúc khảo đã có điểm từ không thành có hoặc thay đổi đổi điểm số rất lớn. Các chuyên gia cho rằng để xảy ra việc này lỗi từ hai phía.
Điểm 0 ở đâu ra?
Theo các chuyên gia, việc thi trắc nghiệm đạt điểm 0 còn khó hơn cả việc đạt điểm 10. GS. Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, chuyên gia về khảo thí thông tin đề thi trắc nghiệm khác với đề thi tự luận ở chỗ, kiến thức hỏi có độ bao phủ rất lớn. Nên rất khó có chuyện trong đề thi hàng chục câu hỏi như thế, thí sinh lại không trả lời được bất cứ câu hỏi nào. Hơn nữa, đây lại là đề thi phục vụ cho tốt nghiệp phổ thông.
GS. Lâm Quang Thiệp cho rằng, thí sinh bị điểm 0 khi làm bài thi trắc nghiệm chỉ xẩy ra một trong hai trường hợp. Thứ nhất, thí sinh tô nhầm mã đề nên bài làm của thí sinh sẽ bị chấm theo đáp án của mã đề khác. Chính vì vậy nên việc không có câu trả lời nào đúng là tất nhiên. Trường hợp thứ hai là thí sinh cố tình không
làm bài.
Mặt khác, phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra ngày 14/7 vừa qua, tất cả các môn thi trắc nghiệm (8 môn), không có môn thi nào có thí sinh bị điểm 0. Chỉ có thí sinh đạt điểm từ 0,25 đến điểm 10. Môn duy nhất có thí sinh bị điểm 0 là môn thi tự luận, môn Ngữ văn. Vậy tại sao đến giờ, lại có nhiều điểm 0 xuất hiện trong bài thi trắc nghiệm như thế?
Không chỉ Tây Ninh, mà ở một số tỉnh cũng lác đác có điểm 0 môn trắc nghiệm và thí sinh sau khi phúc khảo đã được trả lại điểm thực.
Là trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa, PGS. Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, phần mềm chấm thi năm nay báo hai lỗi cơ bản của thí sinh khi làm bài trắc nghiệm, bắt buộc người chấm phải sửa. Đó là thí sinh tô sai số báo danh (tô số báo danh không tồn tại hoặc tô nhầm số báo danh của người khác). Mỗi thí sinh của mỗi địa phương chỉ có duy nhất một số báo danh định dạng.
Do đó, khi tô nhầm sẽ sang số báo danh của người khác, đơn vị chấm thi sẽ tra theo đúng tên, ngày tháng năm sinh của thí sinh để trả lại số báo danh cho thí sinh. Tiếp theo là tô sai mã đề. Phần mềm năm nay khác với năm trước là quét bài làm theo từng phòng thi.
Vì vậy, mới soát được việc thí sinh tô trùng mã đề. Những năm trước, quét theo điểm thi nên phần mềm không có chức năng này. Khi trùng mã đề, đơn vị chấm thi căn cứ vào sơ đồ phòng thi, danh sách nộp bài thi của phòng thi để sửa về đúng mã đề cho thí sinh.
Theo PGS. Trần Văn Tớp, hai lỗi này là hai lỗi bắt buộc phải sửa cho thí sinh. Nếu không sửa, phần mềm sẽ không chạy.
Ngoài ra, PGS. Trần Văn Tớp cho hay có những lỗi thông thường khác mà thí sinh mắc phải. Những lỗi này, được phần mềm chấm thi cảnh báo như tô mờ quá phần mềm không nhận diện được. Vì vậy, những câu hỏi không có đáp án, phần mềm khuyến cáo nên mở bài thi đó ra để xem xét có tô mờ đáp án không.
Hoặc thí sinh tô đúp đáp án phần mềm cũng cảnh báo. Về lý thuyết thí sinh phải tẩy một đáp án, nhưng các em tẩy không hết nên vẫn còn vết. Do đó, phần mềm cũng khuyến cáo người chấm nên mở bài thi của thí sinh ra xem.
TS. Phạm Ngọc Thạch, Phó hiệu trưởng trường ĐH Hà Nội cũng đưa ra những thông tin tương tự như trên. Đồng thời, ông khẳng định không thể xảy ra tình huống tô nhầm số báo danh của thí sinh vắng. Vì khi hệ thống thi nhập danh sách chuyển sang hệ thống chấm đã gạt tất cả thí sinh vắng.
Vì vậy mã đó không còn tồn tại. Do đó, nếu tô nhầm sang thí sinh vắng thì hệ thống sẽ báo ngay, thí sinh được sẽ trả lại đúng số báo danh. Chỉ có mã đề thi, nếu cán bộ chấm thi làm không cẩn thận thì sẽ thiệt cho thí sinh.
Không hết trách nhiệm sẽ thiệt cho thí sinh
Cũng theo TS. Phạm Ngọc Thạch, những sai sót đó nếu cán bộ làm không hết trách nhiệm thì thí sinh sẽ bị thiệt.
Ở Hòa Bình có 746 bài trắc nghiệm xin phúc khảo nhưng không có một bài nào thay đổi điểm. Khi chấm hơi mất thời gian một chút nhưng vẫn phải làm. Phần mềm năm nay “bắt rất nhạy” nên cán bộ chấm thi cũng phải “căng” mắt để kiểm tra xem bài này tô đúp, tô mờ hay không tô.
Do đó, vấn đề còn lại là trách nhiệm của những người thực hiện. Điều này lại dựa vào 3 yếu tố. Thứ nhất là thí sinh. Nhiều thí sinh rất ẩu. Thứ hai là sở GD&ĐT. Nhiều sở không sử dụng loại giấy in phiếu trả lời trắc nghiệm đúng theo yêu cầu, nên khi đưa vào scan còn bị lệch.
Thậm chí có sở có 4 máy scan thì chỉ 2 máy chuẩn, nên khi quét vào loạn hết cả. Có trường hợp phát hiện ra có trường hợp không phát hiện ra. Chính vì vậy, nếu đơn vị chấm thi nào chủ quan, dựa hết vào phần mềm rất dễ mất quyền lợi cho thí sinh.