Tăng đối thoại, tạo đồng thuận trong nhân dân
ĐBP - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã chỉ rõ: 'Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân định kỳ hoặc đột xuất để tiếp nhận thông tin, lắng nghe, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân'. Huyện vùng cao Điện Biên Đông xác định đây là một trong những biện pháp hết sức quan trọng nhằm phát huy dân chủ trong xây dựng Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa quần chúng với đảng viên và các tổ chức đảng. Từ đó cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn đã nâng cao tinh thần, ý thức trách nhiệm trước nhân dân; đề cao vai trò, phát huy dân chủ; quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.
Người dân xã Noong U (huyện Điện Biên Đông) đề xuất kiến nghị tại buổi đối thoại với cấp ủy, chính quyền địa phương.
Để việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Điện Biên Đông với nhân dân bảo đảm đúng quy định, đạt được mục đích và yêu cầu nguyện vọng của nhân dân; Ban Thường vụ Huyện ủy đã quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Cùng với đó là yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nhất là Đảng ủy các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại với nhân dân gắn với nội dung, chương trình, kế hoạch công tác hàng năm; ban hành nội quy, quy chế đối thoại; thông báo thời gian đối thoại đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Với cách làm này, từ năm 2016 đến nay, Đảng bộ huyện đã chỉ đạo và tổ chức 55 hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân, thu hút gần 5.800 lượt người tham dự. Với quan điểm nắm và giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh ngay từ cơ sở, vì thế công tác đối thoại cũng được tổ chức chủ yếu tại các xã, thị trấn. Qua đối thoại đã có 872 lượt ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân, trong đó gần 90% ý kiến đã được giải quyết ngay tại các hội nghị đối thoại; số ý kiến, kiến nghị còn lại được tiếp thu, chuyển các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Tại xã Tìa Dình công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã với nhân dân được tổ chức tới tận từng bản, chọn bản khó khăn nhất, người dân tâm tư nhất để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng. Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, an toàn cho người dân; việc tổ chức đối thoại đã linh hoạt hơn, không máy móc rập khuôn là phải tập trung đông người. Xã chọn bản Na Su để tổ chức đối thoại, bởi qua nắm tình hình thì người dân còn nhiều tâm tư, nguyện vọng và muốn đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền. Vì thế, khi tổ chức đối thoại người dân trong bản tập trung ở nhà trưởng bản rất đông. Nhiều ý kiến liên quan tới đời sống xã hội, dân sinh được bà con đề cập, mong cấp ủy, chính quyền sớm giải quyết. Thay mặt người dân trong bản, ông Lò Văn Dương, Trưởng bản Na Su thay mặt dân bản kiến nghị, hơn 18km đường từ trung tâm xã vào bản là đường đất, mùa khô còn cố đi tạm chứ mùa mưa thì chỉ còn cách “cuốc bộ” về xã. Bản lại xa trung tâm xã, không điện, không nhà văn hóa nên việc tập trung phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới nhân dân rất khó khăn. Vì không có nhà văn hóa nên bao năm nay các cuộc hội họp lớn nhỏ của bản đều tổ chức tại nhà trưởng bản, cơ sở vật chất khó khăn. Chính vì vậy bà con trong bản đều mong muốn sớm được làm nhà văn hóa, làm đường, kéo điện. Xét thấy những đề xuất, kiến nghị của người dân bản Na Su tại buổi đối thoại đều là những nội dung thiết thực, liên quan trực tiếp tới đời sống người dân, ngay sau buổi đối thoại xã Na Su đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của bà con để chuyển cấp trên xem xét giải quyết và trước mắt là bàn giải pháp huy động nguồn lực làm Nhà văn hóa bản bản Na Su. Ông Giàng A Thái cho biết: Cấp ủy, chính quyền sau khi bàn bạc đã thống nhất việc làm đường, kéo điện thì nguồn lực của xã là không thể nhưng làm Nhà văn hóa thì có thể làm theo cách huy động xã hội hóa. Cụ thể là xã đã vận động cán bộ, công chức xã, giáo viên trên địa bàn đóng góp 1 - 2 ngày lương; người dân bản Na Su bỏ công sức, vật liệu để làm và huy động sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp đang thi công công trình trên địa bàn để chung sức làm nhà văn hóa bản. Cách làm này nhận được sự đồng thuận, tích cực tham gia của nhân dân. Đến nay Nhà văn hóa bản Na Su đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2021; bà con ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Không chỉ ở Tìa Dình mà sau nhiều cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã giải đáp kịp thời, nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân từng bước được tháo gỡ. Phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Điện Biên Đông trong công tác đối thoại, tiếp công dân; Ban Thường vụ Huyện ủy quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tập trung giải quyết hiệu quả và dứt điểm những vụ việc mới, việc phát sinh, việc nhạy cảm ngay từ cơ sở; đồng thời cầu thị, tiếp thu những ý kiến phản ánh, phê bình, tham gia đóng góp của quần chúng nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.