Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường 14/11: Sống chung với bệnh tiểu đường như thế nào?

Trong hơn một năm qua (từ 23/9/2023 đến 6/11/2024), cùng với việc thăm khám định kỳ và lắng nghe tư vấn của bác sĩ, tôi đã tự test thêm 150 phép thử để đánh giá thực nghiệm xem gạo lứt và gạo trắng, ngũ cốc nguyên hạt, miến khoai, ăn thế nào… qua chính các bữa ăn bình thường của mình.

Chủ đề Ngày thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường 14/11/2024 là “Trao quyền sức khỏe toàn cầu”. Bằng cách chung tay là chúng ta có thể tạo ra một thế giới mà bệnh tiểu đường không còn chi phối cuộc sống của mỗi người.

 Lấy máu xét nghiệm định kỳ để kiểm soát đường huyết.

Lấy máu xét nghiệm định kỳ để kiểm soát đường huyết.

Theo số liệu của Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường (hay gọi là bệnh tiểu đường - BTĐ) đến cuối năm 2023 tại Việt Nam có 7 triệu người, trong đó 55% đã biến chứng. Trong đó biến chứng về tim mạch 34%, biến chứng về mắt và thần kinh 39.5%, biến chứng về thận 24%. Khi người bệnh bị biến chứng không chỉ làm tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống…

Việc tự theo dõi là tốt nhất để hiểu và thực hiện tư vấn của bác sĩ, từ đó điều chỉnh sinh hoạt phù hợp với bản thân mình. Ông N.V.Đ ở huyện Hiệp Hòa bị BTĐ đã lâu, nghe rằng uống mật ong vào buổi sáng tốt, đường mật ong tốt nên ông áp dụng, nào ngờ chỉ nửa tháng sau đã phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh vì đường huyết tăng cao. Nhiều người BTĐ ngại theo dõi, cứ tin vào mạng và rỉ tai nhau làm theo nên bị tai biến BTĐ.

Một điều nhiều người quan tâm là nên theo dõi chỉ số đường huyết vào lúc đói hay no? Người bình thường có cơ chế tự điều chỉnh để đường huyết ổn định trong khoảng 4,1-5,9 mmol/l. Còn người BTĐ thì cơ chế dự trữ bị hỏng: Lúc đói thì tụt đường huyết hoặc lúc no tăng đường huyết đều có thể gây hôn mê, thậm chí tử vong. Để không biến chứng, bất kể lúc nào, người bệnh cũng không để đường huyết vượt quá 7,8mmol/l (140mg/dL) và HbA1c (máu) 4,0-6,2%. Vì vậy việc tự kiểm tra lượng đường huyết sau ăn 1-2 giờ là rất quan trọng. Việc tự kiểm tra này để đánh giá thực đơn và chủ động thực đơn trong sinh hoạt hàng ngày.

Thực đơn: Bắt buộc phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Bữa ăn có nhiều chất xơ (rau, măng...), đạm (thịt, tốt nhất là cá, đậu)… Những nhóm thực phẩm trên bổ sung năng lượng mà không làm tăng đường huyết, thậm chí góp phần cản trở đường huyết tăng cao. Tôi đã thử 2 bữa ăn cơm đúng mức nhưng không uống thuốc và không ăn rau đều bị đường huyết tăng 1-1,5mmol/l.

So sánh gạo lứt và gạo trắng: Mức cơm phù hợp là mỗi ngày dùng 1 lạng gạo nấu cơm (tỉ lệ 1:1). Về chất lượng, như hàm lượng xơ trong gạo lứt là 1,6g/100g gạo thì ở gạo trắng là 0,4 trong khi cacbohydrat tương ứng là 25,6 và 28,2… Các ưu điểm của gạo lứt hoàn toàn có thể bổ sung bằng các loại thực phẩm như rau xanh, đậu. Tôi đã đối chứng thấy dùng 2 loại gạo không có tác dụng khác biệt về lượng đường trong máu. Trong điều kiện kinh tế của các gia đình, người bị BTĐ không cần suy nghĩ nhiều về gạo lứt hay gạo trắng.

Về ngũ cốc nguyên hạt và chế biến: Người BTĐ và người chăm sóc cần hiểu về chỉ số đường (GI) và chỉ số chuyển hóa đường (GL) của từng loại, nhóm loại lương thực thực phẩm. Bánh chưng được luộc nhừ nên 1 khoanh bánh chưng bình thường sẽ đạt lượng đường huyết bằng 50g gạo cơm tẻ nhưng nhanh hơn. Cùng lượng cơm nhưng nấu thành cháo lượng đường trong máu cũng tăng cao hơn (trên dưới 1,5 mmol/l). Nên chăm sóc người BTĐ thì không nên ăn cháo, mà nếu phải ăn cháo thì giảm lượng gạo và tăng bữa.

Các loại có tinh bột mà chế biến thành mì, miến (kể cả miến dong), bánh mì đều làm tăng GI và GL. Dùng nửa lạng mì gạo xào với su hào thấy đường huyết tăng hơn ăn nửa lạng gạo cơm gần 2mmol/l. Nhiều người hiểu sai khi cho rằng miến dong là tốt cho BTĐ… Khi sử dụng các loại hoa quả cũng cần biết chỉ số GI và GL của chúng. Dùng nước sinh tố tốt hơn nước ép vì nước sinh tố còn nguyên chất xơ từ hoa quả….

Từ đó cho thấy BTĐ không phải kiêng gì, mà quan trọng là mỗi loại lương thực - thực phẩm dùng với số lượng khác nhau, cùng 1 loại nhưng chế biến khác nhau cũng ảnh hưởng lượng đường huyết khác nhau. Trong bữa ăn nên tính các loại có tinh bột (bánh các loại, xôi, canh chuối, canh khoai) cùng với cơm bằng tổng bữa ăn bình thường. Canh măng, canh đậu không ảnh hưởng đến chỉ số dường huyết. Sự khác nhau còn ở từng người. Việc theo dõi thông tin trên không gian mạng nên theo nguồn các trang chính thống thuộc ngành y tế, tránh các trang bán hàng và trang... tin vịt.

Trương Đức Nhân, Hội Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/nhan-ngay-dai-thao-duong-14-11-song-chung-voi-benh-tieu-duong-nhu-the-nao-195838.bbg