Tăng giá điện, doanh nghiệp điện không dễ hưởng lợi
Giá bán lẻ điện bình quân tăng 3% kể từ ngày 4/5/2023, nhưng các doanh nghiệp sản xuất điện có hưởng lợi hay không còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán giá bán với Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Doanh nghiệp sản xuất điện chưa hưởng lợi
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 4/5/2023 thêm 3%, lên 1.920,37 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Giá điện bán lẻ tăng sẽ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, chi phí sản xuất đầu vào của nhiều doanh nghiệp sẽ tăng, nhất là các ngành sản xuất sử dụng nhiều điện như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.
Với các doanh nghiệp sản xuất điện, giá bán lẻ tăng thì giá mua điện đầu vào có tăng hay không?
Các doanh nghiệp ngành điện thường ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với EVN, nên giá bán lẻ điện tăng không tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất điện trong ngắn hạn, còn doanh nghiệp phân phối điện sẽ hưởng lợi.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy điện và điện mặt trời cho biết, hiện tại, doanh nghiệp vẫn bán điện cho EVN theo giá cũ, chưa có thay đổi gì. Thực tế, các doanh nghiệp ngành điện thường ký hợp đồng mua bán điện dài hạn với EVN, nên giá bán lẻ điện tăng không tác động đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất điện trong ngắn hạn, còn doanh nghiệp phân phối điện sẽ hưởng lợi.
Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư đang kỳ vọng, doanh nghiệp sản xuất điện sẽ hưởng lợi từ giá bán lẻ điện tăng khi các cổ phiếu trong nhóm này như NT2, GEG, BCG, HDG… có diễn biến tăng giá trong phiên 4/5/2023 (phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ cũng như sau quyết định tăng giá bán lẻ điện của EVN). Tuy nhiên đà tăng không kéo dài, thậm chí phiên 5/5/2023, một số cổ phiếu giảm giá như NT2, POW, HDG, GEG.
Thận trọng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023
Nhận định hoạt động sản xuất - kinh doanh sẽ gặp không ít khó khăn, nên đa số doanh nghiệp ngành điện đề ra mục tiêu thận trọng cho năm 2023.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán HDG) dự kiến năm 2023 đạt doanh thu 3.225 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 971 tỷ đồng, giảm lần lượt 10% và 28% so với mức thực hiện năm 2022. Mảng điện được dự báo sẽ chững lại do mức nền so sánh cao của năm ngoái và hiện tượng La Nina kết thúc khiến sản lượng huy động từ các nhà máy điện của Công ty giảm. Hiện Hà Đô sở hữu 462 MW năng lượng tái tạo, bao gồm 314 MW thủy điện, 50 MW điện gió và 98 MWp điện mặt trời (quy đổi khoảng 82 MW).
Kết thúc quý I/2023, Hà Đô ghi nhận doanh thu 967 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 357 tỷ đồng, tăng lần lượt 36% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu tăng chủ yếu do đóng góp từ mảng bất động sản và thủy điện, điện mặt trời, điện gió.
Tại Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 (PCC1, mã chứng khoán PC1), mục tiêu năm 2023 là đạt doanh thu 9.450 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 511 tỷ đồng; so với mức thực hiện năm 2022, doanh thu tăng 13%, nhưng lợi nhuận giảm 4%.
Lãnh đạo PCC1 cho hay, kế hoạch kinh doanh năm nay thấp hơn năm trước do tình hình kinh tế nói chung, ngành năng lượng nói riêng không thuận lợi. Quy hoạch Điện VIII vẫn đang trong giai đoạn chờ ban hành. Tình hình tài chính của EVN gặp khó khăn cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, kế hoạch thu hồi công nợ. Ngoài ra, hoạt động phụ tải điện tăng trưởng thấp, một số vùng thậm chí còn tăng trưởng âm.
PCC1 đang có nhà máy thủy điện và nhà máy điện gió. Hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến thủy điện, nhưng có lợi cho điện gió. Các nhà máy điện gió của Công ty đều ở vùng đón gió tốt. Nhà máy thủy điện đã được tính toán ảnh hưởng của El Nino, sản lượng giảm tối đa 10%.
Với Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PV Power, mã chứng khoán POW), sản lượng huy động năm 2023 dự kiến tăng 23%. Theo kế hoạch, Nhà máy điện Cà Mau sẽ đạt sản lượng 5.350 kWh, Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng hoạt động trở lại trong quý III/2023.
Với dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4, sau hơn một năm nỗ lực đàm phán, PV Power và Công ty Mua bán điện đã ký biên bản thống nhất giá điện trên cơ sở các nội dung về kỹ thuật và thương mại, trong đó xác định các thông số chính của giá điện hợp đồng. Ngoài ra, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, giá bán điện cạnh tranh năm nay có thể tăng 3%.
Mục tiêu năm 2013 của PV Power là đạt 30.332 doanh thu và 1.118 lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 5,3% và 15,5% so với mức thực hiện năm 2022. Kết thúc quý đầu năm 2023, doanh nghiệp đạt 7.703,3 tỷ đồng doanh thu, tăng 8%, nhưng lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ.
Trong ngành điện, cổ phiếu NT2 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (Nhơn Trạch 2) nằm trong nhóm phòng thủ cao, lợi nhuận tăng trưởng ổn định, được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Năm 2023, Nhơn Trạch 2 đặt mục tiêu đạt doanh thu 8.299 tỷ đồng, giảm 6%; lợi nhuận sau thuế 473 tỷ đồng, giảm 46% so với mức thực hiện năm 2022. Mặc dù vậy, kết thúc quý I/2023, Công ty đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm khi ghi nhận 2.182 tỷ đồng doanh thu và 234 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 9% và 46% so với cùng kỳ.
BSC dự phóng, năm 2023, Nhơn Trạch 2 đạt doanh thu 7.516 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 712 tỷ đồng, giảm 15% về doanh thu và 19% về lợi nhuận so với năm 2022, do giá bán điện bình quân dự kiến giảm 12,3%, sản lượng điện thương phẩm giảm 5,2% (vì đại tu nhà máy).
Đối với Công ty cổ phần Điện Gia Lai (mã chứng khoán GEG), doanh thu năm 2023 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ có sự đóng góp của Nhà máy điện gió Tân Phú Đông, nhưng biên lợi nhuận ròng có thể suy giảm do gánh nặng chi phí lãi vay và nhu cầu huy động vốn lớn để phát triển các dự án chuyển tiếp.
Giới phân tích nhận định, ngành điện năm 2023 có rủi ro về tỷ giá và kinh tế giảm tốc. Lĩnh vực thủy điện kém khả quan do thủy văn không thuận lợi, lĩnh vực nhiệt điện sẽ tích cực nhờ tăng sản lượng huy động. Riêng mảng năng lượng tái tạo, cơ chế giá chuyển tiếp sẽ khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp phân hóa, doanh nghiệp nào có khả năng cải thiện chi phí phát triển, vận hành và có năng lực huy động vốn rẻ sẽ nắm ưu thế.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam có kế hoạch đầu tư 123 tỷ USD vào ngành điện giai đoạn 2021 - 2030, tương đương 12,3 tỷ USD/năm (4 - 5% GDP); trong đó, 107 tỷ USD xây dựng các nhà máy điện mới và 15 tỷ USD được đầu tư cho mạng lưới truyền tải.