Tăng giá điện: Tính toán mức điều chỉnh hợp lý để kiểm soát lạm phát
Các chuyên gia cho rằng, mức tăng giá điện bao nhiêu và thời điểm tăng cũng cần phải tính toán để ít tác động tiêu cực nhất tới nền kinh tế, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
Từ ngày 3/2, khung giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu và tối đa lần lượt tăng 220 đồng và 538 đồng/kWh lên mức 1.826,22 đồng kWh và 2.444,09 đồng một kWh so với mức khung giá cũ.
Mặc dù việc điều chỉnh khung giá này không ảnh hưởng tới giá bán lẻ điện hiện hành. Tuy nhiên, việc nới khung cùng động thái trước đó Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương hoàn thiện phương án giá bán lẻ điện bình quân 2023 cho thấy việc tăng giá điện trong thời gian tới đây là hiện hữu.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, mức tăng bao nhiêu và thời điểm tăng khi nào cũng cần phải tính toán để ít tác động tiêu cực nhất tới nền kinh tế, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân.
Áp lực tăng giá hiện hữu
Năm 2022, việc kiềm chế và giữ ổn định giá một số yếu tố đầu vào trong đó có giá điện đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế như ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.
Tuy nhiên, sang năm 2023 việc tiếp tục kiềm chế giá điện sẽ gây áp lực lớn cho nhiều ngành điện trong việc đầu tư các dự án mới, cũng như đảm bảo cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Theo ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong năm 2022, các biến động lớn trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất điện của EVN. Công tác đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn... Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm và hiện đang thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành.
“Dù đã tiết giảm chi phí khoảng 33.445 tỷ đồng từ các khoản chi, nhưng tập đoàn vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến, nên kết quả năm 2022, EVN lỗ khoảng 31.360 tỷ đồng,” lãnh đạo EVN cho hay.
Theo chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, tình hình kinh tế thế giới hiện nay có rất nhiều biến động, trong đó xung đột Nga-Ukraine cộng với các yếu tố cung-cầu trên thị trường đã đẩy giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như: than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao so với trước, dẫn đến giá điện ở nhiều nước tăng khá cao.
Trong khi đó, ở Việt Nam, chi phí nhiên liệu phải nhập khẩu để sản xuất điện cũng tăng theo giá thế giới, dẫn tới chi phí phát điện tăng theo.
Tính toán của chuyên gia này cho thấy, chi phí phát điện chiếm tới 80% trong giá bán điện. Cụ thể, giá than thế giới năm 2022 đã tăng gấp 6 lần so với năm 2020 và tăng gấp khoảng 2,6 lần so với năm 2021.
“Việc giá than nhập khẩu tăng đã làm cho chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than nhập khẩu và các nhà máy điện sử dụng than pha trộn giữa than nhập khẩu và trong nước năm 2022 tăng khoảng 25% so với năm 2021, tức là từ khoảng 1.635 đồng/kWh lên 2.043 đồng kWh,” ông Thỏa dẫn chứng.
Còn đối với giá dầu (là cơ sở để tính toán giá khí cho các nhà máy sử dụng nhiên liệu khí), theo chuyên gia này, năm 2022 giá dầu tăng khoảng 2,2 lần so với năm 2020 và tăng khoảng 1,3 lần so với năm 2021. Việc tăng giá đó đã làm cho giá điện bình quân của các nhà máy tua bin khí tăng khoảng 11,31%, tức là từ khoảng 1.620 đồng kWh lên 1.843 đồng kWh.
“Như vậy, khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, trong khi giá bán điện bình quân hiện hành của Việt Nam vẫn giữ ổn định từ năm 2019 cho đến nay. Điều này đã làm cho giá hiện hành không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp khá nhiều khó khăn. Sản xuất kinh doanh bị lỗ là điều không tránh khỏi,” ông Nguyễn Tiến Thỏa phân tích thêm.
Hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực
Mặc dù việc điều chỉnh giá bán lẻ điện là không thể trì hoãn, song theo chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Cấn Văn Lực, giá điện là giá đầu vào của hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cho nên khi tăng giá điện sẽ tác động đến cả lực cầu (đâu đó có thể giảm đi một chút) và lạm phát có thể tăng lên.
Chính vì thế, mỗi lần tăng giá điện, Quốc hội và Chính phủ đều yêu cầu tính toán thận trọng, ở mức độ, thời điểm, liều lượng phải đảm bảo phù hợp, đồng thời phải đảm bảo đồng bộ hóa các chính sách khác để đảm bảo không dồn dập tác động cùng một lúc đối với nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhấn mạnh việc tăng giá điện tác động tương đối nhiều, chính vì thế, chuyên gia này đề xuất nên chăng xem xét mức điều chỉnh từ 5-7%, là mức tương đối phù hợp, trong bối cảnh lạm phát dự báo ở mức cao hơn, đời sống của người dân và doanh nghiệp cũng còn khó khăn trong năm 2023.
Tuy nhiên, ông cho rằng phải chấp nhận tăng giá điện, nếu không các doanh nghiệp trong ngành này lỗ nặng sẽ để lại hệ lụy khó lường, ảnh hưởng tới sức khỏe của doanh nghiệp và mức độ hấp dẫn về hiệu suất đầu tư cũng kém đi, như vậy rõ ràng khả năng thu hút đầu tư của ngành này sẽ khó khăn hơn.
"Trong gần 4 năm vừa qua chưa tăng giá điện trong bối cảnh giá cả và lạm phát còn cao, do vậy việc tăng dù không mong muốn và vẫn phải làm, nhưng thời điểm không rơi vào cao điểm," tiến sỹ Cấn Văn Lực đề xuất.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), chiến lược về mặt điều chỉnh giá điện phải đi kèm theo đối tượng tiêu dùng, như vậy vừa đảm bảo được bù đắp chi phí cho ngành điện nhưng đồng thời không tác động ảnh hưởng tới các đối tượng ưu tiên, cần trợ giúp.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Tại Quyết định đã có quy định rõ, nếu thông số đầu vào thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng; nếu giảm thì giá điện được điều chỉnh giảm.
- Cơ cấu nguồn phát điện trong năm 2022:
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, do giá điện tác động rất lớn đến kinh tế vĩ mô và đời sống người dân, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, nên tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.
Cũng theo ông Hải, Bộ Công Thương đã yêu cầu EVN khẩn trương hoàn thành báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh-doanh điện năm 2022; đồng thời thuê các đơn vị kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022 của EVN và các đơn vị thành viên để đoàn kiểm tra liên Bộ (gồm Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam…) kiểm tra và công bố công khai chi phí sản xuất, kinh doanh điện năm 2022.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng yêu cầu EVN phối hợp với các cơ quan liên quan (như Tổng cục Thống kê) để đánh giá kỹ các tác động đến tình hình kinh tế vĩ mô và các nhóm khách hàng sử dụng điện để đề xuất lộ trình điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2023 và mức độ điều chỉnh phù hợp, đảm bảo ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trên cơ sở báo cáo của EVN về đề xuất điều chỉnh phương án điều chỉnh giá điện, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng đề xuất của EVN.
“Việc điều chỉnh giá điện sẽ được tính toán, đánh giá, cân nhắc hết sức đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân, hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp và việc điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ," ông Hải nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khẳng định, mức điều chỉnh và thời điểm điều chỉnh được quyết định trong khung giá của mức bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và phải phù hợp theo thẩm quyền của Thủ tướng, Bộ Công Thương và EVN trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng, thời điểm điều chỉnh giá điện cần tính toàn vào thời điểm phù hợp, để người dân và doanh nghiệp có thể chủ động trong kế hoạch sản xuất-kinh doanh, cũng như xây dựng được phương án chi tiêu phù hợp, qua đó đảm bảo được các cân đối lớn của nền kinh tế./.