Tăng giá hàng hóa dịp Tết bị xử phạt như thế nào?
Luật sư cho biết ngoài xử phạt hành chính đối với hành vi tăng giá hàng hóa và dịch vụ, người vi phạm còn buộc phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi trên.
Thông thường, thời điểm trước và sau Tết, nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu của người dân tăng cao. Tuy nhiên, có không ít tiểu thương thường lợi dụng thời điểm này để "chặt chém" khách.
Vào thời điểm này, các hàng quán và nhiều địa điểm vui chơi thường không niêm yết giá hoặc tăng giá hàng hóa, dịch vụ. Việc này có vi phạm pháp luật không và sẽ bị xử lý như thế nào?
Luật sư Hà Hải - Đoàn Luật sư TP.HCM
Căn cứ Điều 18 Nghị định 177/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật giá như: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực hiện niêm yết giá theo các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ.
Theo đó, giá cả hàng hóa phải được in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ đó.
Nếu hàng hóa do Nhà nước định giá thì phải niêm yết và mua, bán đúng giá; nếu hàng hóa không do Nhà nước định giá thì không được bán cao hơn hoặc mua thấp hơn giá niêm yết do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.
Như vậy, pháp luật có quy định về việc niêm yết giá theo hình thức thích hợp và rõ ràng. Việc một số tiểu thương lợi dụng thời điểm trước và sau Tết để tăng giá "quá đà", theo Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2016/NĐ-CP), hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Phạt 300.000-500.000 đồng nếu vi phạm từ lần thứ hai trở lên.
Phạt 5-10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá.
Phạt 10-15 triệu đồng đối với hành vi không công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ bằng hình thức khác theo quy định của pháp luật ngoài hình thức niêm yết giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, kê khai giá.
Phạt 20-30 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện.
Phạt 30-40 triệu đồng đối với hành vi không công khai về Quỹ bình ổn giá theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết đối với hành vi vi phạm; trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước.
Tại Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 49/2016/NĐ-CP) quy định cụ thể như sau:
Phạt thấp nhất 1 triệu đồng và cao nhất 60 triệu đồng đối với hành vi tăng giá hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị dưới 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Không chỉ vậy, người vi phạm còn phải buộc nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền thu lợi do hành vi vi phạm nêu trên.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tang-gia-hang-hoa-dip-tet-bi-xu-phat-nhu-the-nao-post1292303.html