Tăng giá trị cho hạt muối, cần đầu tư vào chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm mới

Do sản xuất muối trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu cả về sản lượng và chất lượng, nên mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 500-600 nghìn tấn muối. Muốn tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn từ từng hạt muối, cần thúc đẩy chế biến sâu, biến muối thành dược phẩm, mỹ phẩm, và cả muối tâm linh…

Nghề muối truyền thống gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất đang thu hẹp.

Nghề muối truyền thống gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất đang thu hẹp.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), diện tích sản xuất muối tại Việt Nam vẫn liên tục giảm qua từng năm: năm 2017 đạt 13.158ha, năm 2018 với 13.074ha, năm 2019 với 12.494ha, năm 2021 là 11.393ha, năm 2022 là 11.009 ha.

Trước đó xa hơn nữa, diện tích sản xuất muối năm 2000 là 30.000 ha, đến năm 2015 là 15.200 ha. Như vậy, diện tích sản xuất muối hiện tại chỉ còn bằng 1/3 so với cách đây hơn 2 thập kỷ.

TIẾP TỤC “ĐIỆP KHÚC” NHẬP KHẨU MUỐI

“Diện tích giảm dần trong những năm gần đây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác nên một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang”, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn lý giải.

Các sản phẩm muối đa dạng, nhất là sản phẩm dùng trong ăn uống, thực phẩm, hiện nay được phân thành 4 nhóm chính gồm: muối thô, muối tinh, muối công nghiệp và muối thực phẩm.

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho hay đến nay, cả nước có 73 cơ sở chế biến muối tinh, muối trộn i-ốt, muối sạch xuất khẩu... Trong đó, 13 sơ sở chế biến muối (chiếm 19,7%) đã đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công suất 15.000 - 22.000 tấn/năm và 01 cơ sở đã đầu tư 02 dây chuyền thiết bị đồng bộ nhập khẩu của Tây Ban Nha có công suất 200.000 tấn/năm.

"Do sản xuất muối của nước ta chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, quy mô phân tán theo hộ diêm dân (chiếm tới 69% diện tích), nên năng suất, chất lượng muối thấp".

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn.

Thực tế, nhiều địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cánh đồng muối như: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận…nhưng hiện nay, muối của Việt Nam chưa được đánh giá cao, giá bán thấp.

"Chất lượng và số lượng muối tại các đồng muối công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành công nghiệp hóa chất, nên vẫn phải nhập khẩu muối công nghiệp. Lượng muối của các đồng muối công nghiệp chủ yếu phục vụ chế biến muối tinh, cung cấp muối cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm nên cạnh tranh trực tiếp với muối do diêm dân sản xuất", ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Sản lượng muối sản xuất trong nước từ năm 2005 đến nay, không năm nào đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng năm của cả nước, rơi vào khoảng từ 1,5-1,6 triệu tấn. Do đó, mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 500-600 nghìn tấn muối để đáp ứng nhu cầu trong nước. Đây cũng là vấn đề “nan giải” khi dự báo nhu cầu về tiêu dùng muối toàn quốc sẽ đạt khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, muối công nghiệp 1,35 triệu tấn.

Để thúc đẩy phát triển ngành muối, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển ngành muối. Đồng thời đang triển khai xây dựng thí điểm Đề án nâng cao chất lượng và chuỗi giá trị ngành muối Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn 8 tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu.

Mục tiêu phát triển ngành muối Việt Nam giai đoạn 2025-2030 hiện đại ngang tầm các nước khu vực, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đa dạng các phương thức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa các loại sản phẩm về muối nằm thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu.

LÀM GÌ ĐỂ DIÊM DÂN SỐNG ĐƯỢC VỚI NGHỀ MUỐI?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiều 15/8/2023, GS Nguyễn Anh Trí (Đoàn Đại biểu quốc hội Hà Nội) nêu vấn đề: Mỗi năm Việt Nam có nhu cầu sử dụng 1,5-1,6 triệu tấn muối và phải nhập khẩu 600.000 tấn muối trị giá hàng tỷ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước.

"Một đất nước có bờ biển dài rộng, có nắng, diêm dân có kinh nghiệm mà phải nhập khẩu muối, tôi thấy rất đau lòng", ông Trí chia sẻ.

GS Nguyễn Anh Trí cho biết đã đến đồng muối ở Bạc Liêu hỏi chuyện diêm dân thì được biết họ chỉ cần Nhà nước hỗ trợ tiền mua bạt trải và nhà kho tạm trữ muối tránh mưa. Vì vậy, ông mong muốn Thủ tướng có biện pháp giúp đỡ diêm dân. "Mỗi mét vuông bạt trải chỉ từ 9.000 đến 15.000 đồng, nhưng sẽ làm năng suất và chất lượng muối tăng gấp đôi, giá tăng 40%", GS.Trí nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, cho biết hiện nay nghề muối truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất muối đang thu hẹp, đời sống người dân làm muối chưa đảm bảo.

Việt Nam có 21.000 lao động đang làm nghề muối. Nghề muối Việt Nam có truyền thống lâu đời. Nghề làm muối Bạc Liêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2020. Thủ tướng đã có quy hoạch phát triển nhưng diện tích làm muối toàn quốc ngày càng thu hẹp.

"Muối dùng trong công nghiệp hóa chất và các lĩnh vực công nghiệp khác đòi hỏi phải tinh chất. Vì vậy, các cơ quan cần quá trình tìm giải pháp công nghệ để chất lượng muối trong nước đáp ứng yêu cầu về tinh chất phục vụ công nghiệp".

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng để Việt Nam chấm dứt nhập khẩu muối là bài toán khó, cũng giống như đất nước đang sản xuất than nhưng phải nhập khẩu than, sản xuất gạo nhưng vẫn nhập khẩu gạo.

Theo Bộ trưởng, để người dân sống được bằng nghề muối, thì công việc này phải trở thành ngành kinh tế chứ không phải nền sản xuất muối. Vì vậy, cần quan tâm đến thu nhập của diêm dân hiện nay, nghề muối sẽ mai một nếu như giá trị của sản phẩm muối quá thấp.

Cần tổ chức đào tạo, tập huấn, áp dụng các thiết bị máy móc công nghệ đến người sản xuất. Bên cạnh đó, cần kết nối các doanh nghiệp và diêm dân để tiêu thụ sản phẩm ổn định, không bấp bênh. Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng diễn đàn chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong các vùng nguyên liệu. Tiến tới mục tiêu trong tương lại Việt Nam sẽ không phải nhập khẩu muối, thậm chí xuất khẩu muối sang các thị trường lớn.

"Chúng ta cần phải tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn từ từng hạt muối, đưa muối không chỉ là một gia vị, mà phải trở thành thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện theo hướng đó, và nhiều doanh nghiệp cũng đang góp phần tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho ngành này”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Chương Phượng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-gia-tri-cho-hat-muoi-can-dau-tu-vao-che-bien-sau-tao-ra-nhieu-san-pham-moi.htm