Tăng giá trị cho ngành hàng hoa kiểng

Ngành hàng hoa kiểng là 1 trong 5 ngành hàng tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp, với giá trị sản xuất hàng năm hơn 5.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở thành phố Sa Đéc. Thời gian qua, ngành đóng vai trò chủ lực tạo động lực đột phá trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển bền vững.

Chăm sóc hoa ở Làng hoa kiểng thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp).

Chăm sóc hoa ở Làng hoa kiểng thành phố Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết: Năm 2024, Đồng Tháp tổ chức Festival hoa kiểng Sa Đéc lần thứ I tại thành phố Sa Đéc đón tiếp hơn 245.000 lượt khách; trong đó có gần 2.000 khách quốc tế, mang lại tổng doanh thu ước đạt 98 tỷ đồng. Lượng hoa kiểng được giao thương mua bán tăng cao, ước đạt 300.000 giỏ hoa các loại và các gian hàng sinh vật cảnh, kiểng cổ, bonsai, tổng giá trị giao dịch khoảng 15,6 tỷ đồng.

Để nâng cao giá trị sản xuất ngành hàng hoa kiểng, tỉnh Đồng Tháp phát huy đa giá trị ngành hàng hoa kiểng bằng việc kết hợp du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình homesaty; phát triển các sản phẩm OCOP từ hoa kiểng… Hiện nay, ngành hàng hoa kiểng ở thành phố Sa Đéc được công nhận 6 sản phẩm du lịch đạt OCOP 3 - 4 sao.

Nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp không chỉ nâng cao giá trị về hoa mà các loại kiểng cũng được phát triển. Nổi bật sản xuất cây kiểng có giá trị hàng trăm lần so với trồng lúa. Điển hình trồng kiểng cổ có ông Nguyễn Phước Lộc ở ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc có cây Sanh bonsai đường kính tán lớn nhất Việt Nam trên 5 m, đường kính tán 6,2 m, bề hoành gốc 3,5 m và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Ông Nguyễn Phước Lộc cho biết: Cây bonsai này có tuổi thọ hơn 120 năm, trị giá 5 tỷ đồng. Ngoài cây bonsai ông còn có “Cặp me kiểng cổ nhất” được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục vào năm 2013, đây là cặp me cổ 148 tuổi, trị giá 15 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc cho biết: Sau vụ hoa Tết, nông dân làng hoa sản xuất cây kiểng, cây công trình quanh năm để vừa có thu nhập, vừa tăng vẻ đẹp, tạo sức hút với khách tham quan, cũng như tránh sự quá tải khi tập trung vào vụ hoa Tết.

Các loại hình kiểng cổ, kiểng tứ diện, bonsai hiện rất được nhiều cơ quan, công trình công cộng, nhà hàng, khách sạn ưa chuộng. Cây kiểng cho công trình cũng đang là mô hình nhân rộng ra nhiều nhà vườn ở Sa Đéc. Bình quân 1 ha đất trồng được khoảng 40 - 50 nghìn giỏ hoa hoặc chậu kiểng và mổi năm sản xuất được 3 lần, lãi trên 400 triệu đồng/ha.

Để giá trị ngành hàng hoa kiểng phát triển, Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam (NVHBP) vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu, chuyển giao và thương mại các giống hoa - kiểng mới, phục vụ phát triển ngành hàng hoa - kiểng tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025.

Theo đó, NVHBP sẽ hợp tác với tỉnh Đồng Tháp hợp tác nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh hoa - kiểng dài hạn; đồng thời, có các hoạt động tư vấn về thị trường, tiếp thị và thương mại sản phẩm; chuyển giao công nghệ bảo quản, đóng gói, vận chuyển hoa - kiểng sau thu hoạch. NVHBP hợp tác xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn về kỹ thuật trồng các loại hoa - kiểng mới phù hợp với điều kiện của địa phương; kết nối chuyển giao 1 đến 2 giống hoa mới có bản quyền mỗi năm, để thử nghiệm và thương mại hóa từ hoa kiểng Sa Đéc.

Trưng bày kiểng bonsai tại Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) lần thứ nhất - năm 2023 với chủ đề “Tình đất - Tình hoa”.

Trưng bày kiểng bonsai tại Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) lần thứ nhất - năm 2023 với chủ đề “Tình đất - Tình hoa”.

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, ngành hàng hoa kiểng đang tập trung tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết và thị trường, từng bước xây dựng và hoàn thiện hơn chuỗi sản xuất hoa, kiểng phát triển trên phạm vi cả nước. Đồng Tháp đề ra mục tiêu đến năm 2025, đưa giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng đạt 7.000 tỷ đồng; diện tích trồng trên 3.500 ha.

Để nâng cao giá trị ngành hàng hoa kiểng, trong canh tác hoa kiểng được ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lai tạo, thuần dưỡng, chuyển giao giống mới, áp dụng kỹ thuật canh tác trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới, kỹ thuật tưới tiết kiệm để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả và chất lượng sản phẩm hoa kiểng.

Tới đây, ngành hàng hoa kiểng tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất hoa cúc; nhân rộng mô hình sản xuất kiểng lá; nhân rộng mô hình sản xuất hoa đồng tiền trong nhà lưới gắn với kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tang-gia-tri-cho-nganh-hang-hoa-kieng-20240721141004275.htm