Tăng giá trị kinh tế khi sản phẩm được xác lập quyền sở hữu

Bảo hộ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ pháp lý đắc lực nhằm bảo vệ và nâng cao giá trị sản phẩm. Khi càng có nhiều sản phẩm được bảo hộ thì danh tiếng, uy tín của sản phẩm vùng, địa phương trong tỉnh càng giá trị hơn. Đặc biệt, sản phẩm địa phương khi được bảo hộ quyền SHTT sẽ thuận lợi hơn khi vào các thị trường lớn.

 Phong phú sản phẩm Sen Huế khi được đầu tư về khoa học công nghệ và cấp nhãn hiệu tập thể

Phong phú sản phẩm Sen Huế khi được đầu tư về khoa học công nghệ và cấp nhãn hiệu tập thể

Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ

Thời gian qua, ngành KH&CN đã nỗ lực thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường KH&CN trên địa bàn tỉnh. Thông qua các chương trình, đề án và cơ chế chính sách đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, đo lường và phát triển tài sản trí tuệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp sản xuất sản phẩm chủ lực, đặc sản...

Đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh về đăng ký sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, bộ nhận diện thương hiệu; tạo lập, đăng ký bảo hộ quyền SHTT và quảng bá đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP...

Đơn cử trong năm qua, ngành KH&CN đã hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, xin phép sử dụng địa danh và lập hồ sơ đăng ký bảo hộ: Nước mắm Phú Diên (huyện Phú Vang); Hương trầm Huế (TP. Huế); Rau hữu cơ Thanh Hà (huyện Quảng Điền); Chuối già lùn A Lưới (huyện A Lưới)… Đồng thời, hỗ trợ xây dựng phương án và triển khai mở rộng nhóm thành viên sử dụng nhãn hiệu tập thể "Thanh trà Huế"; hỗ trợ áp dụng quy chuẩn kỹ thuật "Dầu tràm Huế" trong sản xuất tinh dầu tràm mang Chỉ dẫn địa lý Huế; hỗ trợ in ấn tem nhãn và quảng bá chỉ dẫn địa lý Nón lá Huế; hỗ trợ phát triển 5 cửa hàng mang nhãn hiệu chứng nhận "Bún bò Huế"...

Nhờ những chính sách, chương trình về bảo hộ quyền SHTT và sự tích cực hướng dẫn của đơn vị chức năng, số lượng bảo hộ sáng chế, bảo hộ sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng lên. Đến nay, toàn tỉnh có 80 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích và đã được cấp 18 văn bằng bảo hộ độc quyền. Có 107 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và đã được cấp 82 văn bằng bảo hộ độc quyền. Có 2.041 đơn đăng ký nhãn hiệu (gồm nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận), trong đó đã cấp 1.196 Giấy chứng nhận. Đáng chú ý, Thừa Thiên Huế đã có 4 chỉ dẫn địa lý: Tinh dầu tràm Huế, Nón lá Huế, Thanh trà Huế, Hoàng mai Huế và 5 nhãn hiệu chứng nhận: Bún bò Huế, thủ công mỹ nghệ Huế, Festival nghề truyền thống, nông sản Nam Đông, Giải thưởng Cố đô về KHCN.

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Nhiều sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

Phát triển tài sản trí tuệ sản phẩm địa phương

Ngày SHTT thế giới năm 2024 được Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) lấy chủ đề: "SHTT và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới và sáng tạo". Gắn liền chủ đề năm nay, ngành KH&CN đã có những hoạt động SHTT gắn với phát triển, đổi mới và sáng tạo các sản phẩm mang thương hiệu Huế. Không phải bây giờ mà từ trước đó, Sở KH&CN đã tích cực tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lập hồ sơ đăng ký quyền SHTT, nhất là với những sản phẩm đặc sản, sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương đăng ký xác lập quyền đối với một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao, chú trọng hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với một số sản phẩm chủ lực, đặc thù riêng của tỉnh.

Trên cơ sở định hướng, chiến lược tập trung phát triển tài sản trí tuệ đối với những sản phẩm thế mạnh của tỉnh, Sở KH&CN tiếp tục tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lập hồ sơ đăng ký bảo hộ quyền đối với nhãn hiệu và nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm mang thương hiệu Huế nổi bật như: Huế - Kinh đô áo dài, Huế - Kinh đô ẩm thực, Ruốc Huế, chợ quê Cầu ngói Thanh Toàn...

Những hoạt động quảng bá các sản phẩm mang thương hiệu Huế cũng được thực hiện và đạt kết quả, như lễ hội Hoàng mai Huế, lễ công bố văn bằng bảo hộ các nhãn hiệu Sen Huế, Bò Vàng A Lưới, nhãn hiệu chứng nhận Hương xưa làng cổ Phước Tích... Thực hiện thành công các dự án: "Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm Hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế"; "Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm quả Thanh trà của tỉnh Thừa Thiên Huế"; nhãn hiệu chứng nhận Huế - Kinh đô ẩm thực... Hiện, ngành đang nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế theo chuỗi giá trị cho một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Kinh tế sen, Kinh tế dược liệu và Kinh tế nấm.

Đại diện Sở KH&CN cho rằng, SHTT được xác định không phải là một lĩnh vực hay yếu tố độc lập mà gắn bó chặt chẽ, xuyên suốt trong các chính sách của từng ngành, từng lĩnh vực và phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Đây còn là động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, là công cụ hữu hiệu để các nhà khoa học, nhà sản xuất không ngừng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo ra nhiều tài sản có giá trị cho xã hội.

Bài, ảnh: HOÀI THƯƠNG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/tang-gia-tri-kinh-te-khi-san-pham-duoc-xac-lap-quyen-so-huu-140857.html