Tăng gia vị yêu thương cho vợ chồng sau thời gian dài chung sống
Hôn nhân bắt đầu từ tình yêu nhưng sau một khoảng thời gian chung sống, nhiều cặp vợ chồng bắt đầu cảm thấy thất vọng vì phải đối diện với nhiều khác biệt, mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày. Một số gợi ý sau đây có thể giúp chúng ta gìn giữ hạnh phúc và tăng gia vị yêu thương vợ chồng.
Lắng nghe - thấu hiểu - tôn trọng
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, việc thường xuyên tương tác với nhau trong hành động và lời nói sẽ giúp hai vợ chồng có sự gắn kết cũng như ngày một gắn bó. Để giữ gìn hạnh phúc trong hôn nhân, giữa vợ và chồng luôn cần sự lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng nhau.
Dù công việc có mệt mỏi, bận rộn và căng thẳng đến mấy cũng đừng quên dành thời gian thư giãn bên nhau. Cả hai có thể tìm cùng chủ đề để trao đổi, cũng là cách thêm hiểu đối phương.
Đừng lúc nào cũng chỉ xoay quanh những vấn đề muôn thuở là công việc, con cái, nhà cửa… Điều ấy sẽ khiến cuộc sống vợ chồng của chúng ta trở nên nhàm chán, mất hứng thú.
Thực tế, nhiều người vợ/chồng có thói quen nói nhiều, lấn át hết phần của đối phương khiến họ luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, không được trân trọng. Hãy thay đổi thói quen xấu này để trở thành người biết lắng nghe nhiều hơn. Khi lắng nghe, bản thân ta sẽ hiểu rõ điều mà vợ/chồng mình mong muốn để có những điều chỉnh tích cực, phù hợp.
Tạo sự bất ngờ
Tạo sự bất ngờ cho nhau chính là "gia vị" khiến cuộc sống hôn nhân trở nên thú vị hơn. Một món quà, một vòng ôm, nụ hôn bất ngờ dành cho đối phương khi chỉ có hai người chắc chắn sẽ tạo dấu ấn mạnh, giúp hạnh phúc thăng hoa.
Đôi khi, bạn hãy thử sử dụng chiêu trò: thay vì gọi điện thoại báo rằng mình đi công tác, đang trên đường về, hãy bịa lý do xe hỏng, máy bay bị chậm… nên phải lùi ngày về. Nghe xong điều này, chắc hẳn bạn đời sẽ có chút hụt hẫng nhưng khi ta xuất hiện ở cửa nhà thì sẽ tạo sự bất ngờ cho bạn đời.
Tin tưởng, thay vì hoài nghi
Nếu như trong đầu của bạn luôn hoài nghi người bạn đời của mình, bạn sống với những hoài nghi đó thì liệu bạn có hạnh phúc hay không? Câu trả lời chắc chắn là "không". Những hoài nghi đó sẽ làm bạn đời của mình cảm thấy khó chịu, đôi khi là không biết nên làm thế nào để cho họ không hoài nghi mình.
Các chuyên gia tâm lý cảnh báo, nếu như bạn luôn nghĩ rằng "Cuộc hôn nhân này sẽ chẳng thể bền lâu" thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc. Vì thế, hãy luôn đặt niềm tin vào cuộc hôn nhân của mình, tin rằng hai người sẽ mãi mãi ở bên nhau dù cho sóng gió, gian nan. Khi chúng ta có niềm tin, chúng ta sẽ có động lực để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Tạo thói quen suy nghĩ việc nhà là việc chung
Sẽ rất bất công khi người chồng nghĩ rằng, việc nhà là của phụ nữ. Suy nghĩ này khiến phụ nữ cảm thấy người chồng gia trưởng, áp đặt, vô trách nhiệm, bản thân mình không được trân trọng.
Khi người đàn ông chia sẻ việc nhà với vợ, có khi chỉ là nhặt rau, cắm nồi cơm hay loanh quanh chuyện trò với vợ lúc nấu ăn cũng khiến người phụ nữ cảm động và… yêu chồng hơn.
Một cuộc hôn nhân hạnh phúc không chỉ cần có sự tin tưởng, tôn trọng nhau mà cần có sự tham gia của cả vợ và chồng vào công việc nhà. Khi cùng nhau làm việc nhà, vợ chồng sẽ có cảm giác hạnh phúc trong ngôi nhà chung.
Nếu xung đột, đừng xưng "tôi" mà hãy nói "chúng ta"
Vợ chồng ấm êm đến mấy cũng không tránh khỏi tình huống "chồng bát xô lệch". Khi tranh luận, đừng nói năng bạt mạng, xưng hô mày - tao, anh - tôi để thể hiện sự "ngang bằng". Thay vào đó, chú ý sử dụng ngôn từ tế nhị, mang tính dung hòa để tránh làm tổn thương nhau.
Trong một khảo sát, nhà nghiên cứu Benjamin Seider (Đại học California, Berkeley, Mỹ) đã theo dõi mối tương quan giữa các cặp vợ chồng hạnh phúc. Ông thấy rằng, khi trò chuyện hoặc tranh luận, họ thường có xu hướng sử dụng đại từ số nhiều như "chúng tôi", "chúng ta" hơn là những đại từ số ít như "tôi" hay "của tôi".
Bởi khi dùng đại từ số nhiều, người trong cuộc không cảm thấy căng thẳng sau những cuộc tranh luận.