Tăng giờ làm thêm: Đáp ứng nhu cầu của người lao động
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết 17 quy định về việc tăng số giờ làm thêm của người lao động nhằm phục hồi, phát triển nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Nghị quyết bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/4/2022. Nghị quyết ra đời, thể hiện được sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn.
Theo đó, nghị quyết quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm. Trừ các trường hợp như: Người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi... Về số giờ làm thêm trong 1 tháng, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.
Tại Bình Thuận, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có hơn 10.800 công nhân lao động làm việc tại 65 doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, lao động trong các ngành kinh tế giảm và thị trường lao động gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, các địa phương đã trở lại trạng thái “bình thường mới” tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch nên hầu hết các doanh nghiệp, người lao động cũng đang gặp không ít khó khăn.
Qua tìm hiểu, phần lớn người lao động đang mong muốn kiếm thêm thu nhập nên sau khi nghe thông tin về việc tăng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để cải thiện đời sống thì phần đông đồng tình với chủ trương này.
Làm công nhân may tại 1 công ty thuộc Khu công nghiệp Phan Thiết, chị Hoàng Thị Bình (xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết, dịch bệnh hoành hành khiến cho đời sống của chị cũng như nhiều công nhân khác gặp khó khăn. Đặc biệt, từ sau tết đến nay, giá cả liên tục tăng cao, nhất là sau đợt tăng giá xăng dầu thì chi phí sinh hoạt cũng ngày càng đắt đỏ. “Do nhà ở xa, nên tôi phải ở trọ tại Phan Thiết để đi làm, tuy nhiên với giá cả các mặt hàng tăng cao như hiện nay, nếu như không tăng ca sẽ không trang trải nổi chi phí. Hiện nay, mức lương trung bình của tôi từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca sẽ đạt trên 7 - 8 triệu đồng/tháng”, chi Bình chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Nam có gần 6 năm làm việc trong doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Khu công nghiệp Phan Thiết, với mức lương cơ bản hơn 6 triệu đồng/tháng. Nếu tăng ca, tổng thu nhập của anh Nam tầm 7 - 8 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm chi tiêu mới lo đủ cho 4 miệng ăn trong gia đình. Do đó, anh Nam vẫn có nhu cầu tăng ca nhiều hơn nhằm mong muốn có thu nhập cao hơn. “Trong bối cảnh người lao động vừa trải qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nên tôi cũng mong muốn tăng ca để cải thiện cuộc sống, tăng thêm thu nhập. Từ sau tết đến nay, tôi thường xuyên đăng ký tăng ca nếu như công ty có nhu cầu”, anh Nam nói.
Nhiều người lao động cũng cho biết, tăng giờ làm thêm thời điểm này là hợp lý. Nếu không tăng ca, họ cũng làm thêm nhiều công việc khác ngoài giờ như chạy xe ôm, bán hàng trên mạng… Tuy nhiên, cũng theo người lao động, các đơn vị doanh nghiệp cần phải có thỏa thuận trước với người lao động trước khi thực hiện. Tránh tình trạng ép công nhân tăng ca quá sức, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn cho người lao động.