Tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo của sinh viên trong hoạt động tình nguyện
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, tổ thảo luận chủ đề 'Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng' đã có nhiều ý kiến, đề xuất giải pháp gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện.
Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI, chiều 19/12, tại Trường Đại học Y Hà Nội, diễn ra thảo luận góp ý văn kiện Đại hội và thảo luận chủ đề "Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng".
Chủ trì tổ thảo luận có anh Lê Công Hùng - Phó Chủ tịch Hội SVVN, chị Phạm Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội SVVN tỉnh Thái Nguyên. Cùng dự có anh Nguyễn Bá Cát - Phó Chủ tịch T.Ư Hội SVVN.
Tăng kết nối, tập hợp tình nguyện tự phát
Phát biểu đề dẫn tổ thảo luận, anh Lê Công Hùng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích, thảo luận bám sát chủ đề “Sinh viên tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”. Từ đó, đề xuất các giải pháp gia tăng hàm lượng tri thức, chuyển đổi số, sáng tạo gắn với chuyên môn, thế mạnh của sinh viên trong các hoạt động tình nguyện; tăng cường hoạt động tình nguyện thường xuyên, tại chỗ.
Đề xuất giải pháp xây dựng các chương trình, dự án tình nguyện dài hạn, bền vững gắn với nhu cầu thực tiễn địa phương; các giải pháp để phát huy vai trò của tổ chức Hội trong đoàn kết, tập hợp các loại hình tình nguyện tự phát trong sinh viên; giải pháp tăng cường tính kết nối trong việc triển khai các hoạt động tình nguyện thông qua chủ trương “3 liên kết” (liên kết lực lượng, liên kết địa bàn, liên kết cộng đồng).
Bên cạnh đó, đưa ra các giải pháp thu hút nguồn lực xã hội trong các hoạt động tình nguyện; kiến nghị với Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể về cơ chế, chính sách cho sinh viên tình nguyện.
Tham gia khách mời tại tổ thảo luận, GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội bày tỏ trân trọng khi nhà trường là địa điểm diễn ra hoạt động thảo luận trong khuôn khổ Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ XI. Đánh giá cao chủ đề thảo luận, Giáo sư Tú cho biết, tình nguyện là hoạt động nổi bật tiêu biểu của sinh viên và thanh niên Việt Nam.
"Tôi mong đại biểu thảo luận tìm ra những hướng đi mới, giá trị mới để tình nguyện ngày càng hiệu quả, bền vững và tác động sâu rộng hơn. Sinh viên là một bộ phận quan trọng của thanh niên, tương lai là trí thức, vì vậy mọi người đều trông đợi vào sinh viên, thanh niên", GS.TS Nguyễn Hữu Tú bày tỏ.
Đa dạng hóa phương thức và ứng dụng số vào tình nguyện
Chia sẻ tại tổ thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Hàng Hải (Hải Phòng) cho biết, phong trào tình nguyện ngày càng phát triển sâu rộng giúp nhiều bạn trẻ được rèn luyện, trưởng thành và cống hiến; được xã hội ghi nhận đánh giá cao.
Tuy nhiên, để phong trào tình nguyện tiếp tục lớn mạnh, hiệu quả, Hội cần đẩy mạnh truyền thông giúp các bạn trẻ, sinh viên hiểu được giá trị của hoạt động tình nguyện là mang đến giá trị hữu ích cho cộng đồng và mang lại niềm vui, hạnh phúc cho bản thân.
Cùng đó, Hội cần đa dạng hóa các phương thức tổ chức chương trình, hoạt động để sinh viên có thể tham gia có hiệu quả. "Cần áp dụng việc chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện để tận dụng ưu thế của sinh viên là nhanh nhạy về công nghệ", cô đề xuất.
Cùng trao đổi vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động tình nguyện, đại biểu Lê Huỳnh Đức - ĐH An Giang cho biết, từ đầu năm 2023, ĐH An Giang đã số hóa chương trình "Tiếp sức mùa thi" với việc xây dựng trang web cung cấp thông tin hữu ích cho thí sinh và người nhà thí sinh; ứng dụng công nghệ hình ảnh 360 giúp thí sinh dễ dàng truy cập từ xa và xác định được sơ đồ, vị trí phòng thi, trường thi...
"Điều này giúp thí sinh không phải tốn thời gian tìm phòng thi; tạo tâm lý yên tâm, tập trung vào việc ôn luyện và làm bài thi", đại biểu Đức nói.
Tổ chức chương trình tình nguyện phải bài bản, thiết thực
Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Vân - Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tình nguyện, cần quan tâm sức khỏe tâm lý, sức khỏe tâm thần của các bạn trẻ trước các áp lực học tập, cuộc sống... Hội cần tổ chức các hoạt động, chương trình cải thiện tâm lý cho các bạn trẻ vượt qua áp lực học tập, cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Thành Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Sinh viên Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, trăn trở trước thực tế không ít hoạt động, chương trình tình nguyện tự phát diễn ra trong giới trẻ, sinh viên; trong đó có những hoạt động bị lợi dụng, xảy ra rủi ro.
Do đó, tổ chức Hội cần quan tâm định hướng, tập hợp sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện được tổ chức bài bản, thiết thực hiệu quả. Bên cạnh đó, Hội cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi về ý tưởng tình nguyện từ đó tìm những ý tưởng sáng tạo, khả thi mới.
Còn theo Đại biểu Nguyễn Phúc Đức - Phó Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), hoạt động tình nguyện đã giúp nhiều người khuyết tật, yếu thế vượt qua mặc cảm, hòa đồng hơn và được cống hiến, thể hiện bản thân. "Bản thân tôi là cũng là một người khuyết tật. Hoạt động tình nguyện giúp những người khuyết tật hiểu hơn giá trị bản thân trên hành trình vượt lên chính mình, từ đó cống hiến thêm cho cộng đồng",Phúc Đức chia sẻ.