Tăng hậu kiểm nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm, qua đó kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở vi phạm, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, các địa phương cũng hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khắc phục những sai phạm.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Sóc Sơn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ảnh: Tùng Nguyễn

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Sóc Sơn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ảnh: Tùng Nguyễn

Kiểm soát chất lượng ở tất cả các khâu

Trưởng phòng Y tế huyện Ba Vì Hoàng Xuân Trường thông tin, từ đầu năm 2024 đến nay, các đoàn kiểm tra của huyện và các xã, thị trấn đã tập trung kiểm soát chất lượng thực phẩm ở các khâu: Nguồn gốc nguyên liệu, vận chuyển, bảo quản; quá trình sản xuất, chế biến; nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, hương liệu, phẩm màu trong chế biến thực phẩm. Đồng thời, lực lượng chức năng kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản; dư lượng kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.

Đối với hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, huyện Ba Vì tập trung kiểm soát việc sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi; kiểm soát thực phẩm là hàng giả, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, nhập lậu. Ngoài ra, huyện còn kiểm soát hoạt động kinh doanh, thương mại điện tử đối với thực phẩm, chú trọng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã kiểm tra được 1.314 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; trong đó xử phạt vi phạm hành chính 42 cơ sở, với số tiền 268 triệu đồng.

Còn Trưởng phòng Y tế huyện Sóc Sơn Lưu Thị Hồng Sen cho biết, để quản lý an toàn thực phẩm, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện tăng cường hậu kiểm việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, các đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và 26 xã, thị trấn đã kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm đối với 365 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Qua đó phát hiện 36/365 cơ sở có vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Ngoài ra, 26 xã, thị trấn đã tịch thu, tiêu hủy 80 lít rượu, 305 gói bánh kẹo, 40kg xương ống đùi gà, 55kg móng heo không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá khoảng 14,6 triệu đồng.

“Hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn vi phạm là do số lượng cơ sở thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ lớn và thường xuyên thay đổi công tác quản lý. Hơn nữa, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về an toàn thực phẩm dù đã có chuyển biến, song còn hạn chế. Ý thức lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng cũng còn tùy tiện, dễ dãi, tạo điều kiện cho thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường…”, bà Lưu Thị Hồng Sen lý giải.

Bà Nguyễn Thị Lệ Quyên (xã Vật Lại, huyện Ba Vì) kiến nghị, để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng thực phẩm tại các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn. Mùa hè nắng nóng, thực phẩm rất dễ bị ôi thiu, nhưng một số cửa hàng bán thực phẩm, nhất là ở các chợ truyền thống chưa có đầy đủ trang thiết bị để bảo quản thực phẩm, dễ gây ngộ độc.

Tiếp tục kiểm tra định kỳ và đột xuất

Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao, các địa phương cần nâng cao hiệu lực quản lý và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền từ huyện đến các xã, thị trấn, nhằm nâng cao ý thức chấp hành chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; yêu cầu các cơ sở công khai giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm và địa chỉ cơ sở cung cấp nguyên liệu nguồn gốc thực phẩm; tổ chức giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường, cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn…

Còn Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong khẳng định, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, chuyên đề, đột xuất; hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau công bố sản phẩm; thực hiện xét nghiệm mẫu thực phẩm để đánh giá chất lượng thực phẩm; xử lý vi phạm nếu mẫu không đạt. Cùng với đó, ngành Y tế triển khai dự án và mô hình điểm về an toàn thực phẩm; trong đó tiếp tục duy trì các chuyên đề về dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới cơ sở. Mặt khác, các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ huy và đội ứng trực phòng, chống ngộ độc thực phẩm, với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng triển khai điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý; chủ động giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường, cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-hau-kiem-nham-kip-thoi-phat-hien-xu-ly-vi-pham-671931.html