Tăng hiệu quả bảo vệ thương hiệu nông sản
Ngành Nông nghiệp đã và đang quan tâm đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, đặc sản của địa phương nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, thế giới. Và để tạo chỗ đứng vững chắc, tăng hiệu quả bảo vệ thương hiệu nông sản Thủ đô, các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến chất lượng sản phẩm.
Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu
Huyện Ba Vì là một trong những địa phương chăn nuôi gà đồi quy mô lớn với hơn 3 triệu con, trung bình 100-200 con gà thịt/hộ, tập trung chủ yếu tại các xã vùng đồi gò: Cẩm Lĩnh, Thụy An, Ba Trại, Cam Thượng…
Những năm qua, các ngành chức năng đã hỗ trợ nông dân xây dựng thành công nhãn hiệu sản phẩm “Gà đồi Ba Vì”. Ông Ngô Xuân Hiển ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) chia sẻ, với quy mô nuôi 10.000 con gà đẻ, cung cấp 100 vạn trứng/năm; 60.000 gà thịt/năm, nhờ có nhãn hiệu, tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ mà giá bán của sản phẩm “Gà đồi Ba Vì” luôn ở mức cao hơn 15% so với trước đây khi chưa có nhãn hiệu. Hiện, nông dân tập trung sản xuất theo hướng VietGAP, bảo đảm chất lượng cung cấp cho thị trường.
Tương tự, cũng nhờ xây dựng được thương hiệu, “Gạo hữu cơ Đồng Phú” (huyện Chương Mỹ) không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn xuất khẩu tới các thị trường: Mỹ, châu Âu... Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú Trịnh Thị Nguyệt cho biết, ngoài sản xuất lúa gạo, đơn vị còn phối hợp với doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, như: Chế biến bún tươi, bánh, sữa thậm chí còn chiết xuất tinh dầu gạo hỗ trợ người ăn kiêng… Hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Thương mại và xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, Công ty Bảo Minh tiêu thụ 100% sản phẩm lúa gạo. Để giám sát chất lượng, hợp tác xã còn dán tem truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin trên thị trường.
Ở quy mô toàn thành phố, theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, thành phố đã xây dựng được hơn 40 nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp, như: Nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai), gạo thơm Bối Khê (huyện Thanh Oai), chuối Vân Nam (huyện Phúc Thọ)… Các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, giá bán cao hơn 15-20% so với sản phẩm không có thương hiệu. Không những thế, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu còn giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Giữ gìn, bảo vệ, phát triển
Hà Nội có nhiều nông sản, đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu còn khó khăn do sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, đầu ra cho sản phẩm bấp bênh, mẫu mã đơn điệu; doanh nghiệp thu mua nông sản tại các địa phương chưa mặn mà trong xây dựng và phát triển thương hiệu...
Để thương hiệu nông sản tiếp tục phát huy hiệu quả, tăng sức cạnh tranh cho nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai) Đỗ Văn Kiên kiến nghị các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ hợp tác xã xây dựng thương hiệu, từ sản xuất an toàn tới sơ chế, chế biến sản phẩm; hỗ trợ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất; hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ dân trong việc bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các mặt hàng nông sản.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho rằng, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến quản lý thương hiệu nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm trên thị trường; hỗ trợ hợp tác xã, doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh bán hàng hiện đại để nông sản có thương hiệu, nhãn hiệu khẳng định rõ vị thế trên thị trường và hướng tới xuất khẩu.
Ở góc độ quản lý, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nêu rõ, để bảo vệ, quản lý hiệu quả thương hiệu nông sản, đặc sản của Hà Nội, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Thành phố sẽ hỗ trợ 100% chi phí bao bì, nhãn mác cho sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP. Sở cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể nhằm đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước...
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về tầm quan trọng, lợi ích của việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tạo ra chất lượng hàng hóa đồng đều, đáp ứng yêu cầu an toàn thực phẩm; đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung kết hợp xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho thực phẩm an toàn, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho nông sản đặc sản...
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-hieu-qua-bao-ve-thuong-hieu-nong-san-642457.html