Tăng hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực tài chính
Ngày 15/9 tại TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Tài chính - Marketing đã tổ chức hội thảo khoa học góp ý cho các chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính công, quản trị tài chính và cử nhân tài chính công, thuế, marketing digital nhằm gia tăng hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực tài chính và hoàn thiện các chương trình này.
Đón đầu xu hướng nhân sự tài chính chất lượng cao
Đây là 5 chương trình đang được Trường Đại học Tài chính - Marketing (UFM) dự thảo, lấy ý kiến để phát huy hiệu quả cao nhất trong đào tạo nhân lực tài chính từ cử nhân đến thạc sĩ sắp tới, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong phát triển kinh tế đất nước.
Trước đó, trường đã thực hiện một cuộc khảo sát nhu cầu nhân lực trình độ thạc sĩ ngành Quản trị Tài chính tại 62 đơn vị sử dụng lao động gồm cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp là tổ chức phi tài chính, doanh nghiệp là tổ chức tài chính và thành phần khác (cơ sở đào tạo).
Trong đó, doanh nghiệp là tổ chức phi tài chính chiếm 42%, doanh nghiệp là tổ chức tài chính chiếm 48%, cơ quan quản lý nhà nước chiếm 7% và thành phần khác (cơ sở đào tạo) chiếm 3%. Về chức vụ của người đại diện đơn vị sử dụng lao động tham gia khảo sát, hầu hết là quản lý cấp phòng hoặc tương đương trở lên.
Theo “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, lĩnh vực tài chính - ngân hàng là một trong 8 ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên chuyển đổi số. Đối với ngành Tài chính, sự chuyển dịch của cấu trúc lao động trong ngành do tác động của chuyển đổi số thể hiện trên một số khía cạnh: Xuất hiện thêm các vị trí công việc mới; nhiều vị trí công việc sẽ chuyển hóa, gia tăng hàm lượng công nghệ trong nghiệp vụ, quy trình xử lý. Thị trường lao động cho ngành Tài chính do vậy sẽ cần một số lượng nhân lực lớn nhưng cũng đưa ra các đòi hỏi khá cao về kiến thức, kỹ năng và thái độ đối với người lao động.
Kết quả khảo sát cho thấy, 42% đơn vị sử dụng lao động trả lời là có nhu cầu ngay về nhân lực ngành Quản trị tài chính, 29% đơn vị trả lời là có nhu cầu trong thời gian tới, trong khi chỉ có 24% đơn vị trả lời là đang cân nhắc và 5% đơn vị trả lời là không có nhu cầu. Theo đó, 71% đơn vị sử dụng lao động trả lời là có nhu cầu ngay và có nhu cầu trong thời gian tới đối với nhân lực trình độ thạc sĩ ngành Quản trị tài chính.
Kết quả này chứng tỏ, nhu cầu nhân lực trình độ thạc sĩ ngành Quản trị tài chính là rất lớn. Trong khi đó, nguồn cung lao động chất lượng cao am hiểu cả về tài chính và quản trị được đào tạo một cách bài bản tại Việt Nam còn khá hạn chế. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ thạc sĩ ngành Quản trị tài chính sẽ trang bị cho học viên các kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với các yêu cầu thực tế của thị trường lao động.
Bám sát xu hướng công nghệ thông tin và phát triển bền vững
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường UFM cho biết, trường mong muốn nhận được ý kiến đóng góp từ nhiều nhà khoa học, nhà giáo đối với các chương trình đào tạo, đặc biệt là chương trình đào tạo phù hợp với thực tế, thích ứng với xu hướng hiện tại, với nghề nghiệp, vị trí việc làm để từ đó các sinh viên, các học viên khi ra trường có thể vận dụng các kiến thức vào trong quá trình nghiên cứu, công việc, đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của đất nước.
Đây là điều hết sức quan trọng, bởi mọi sự thành công đều đến từ yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó, trường mong muốn nhận được sự đóng góp của các đại biểu về các chương trình đào tạo của trường, nhằm đem đến cho sinh viên chất lượng giáo dục cao nhất, ngày càng nâng tầm đáp ứng chuẩn khu vực và quốc tế.
Tại hội thảo, các nội dung liên quan đến 5 chương trình đào tạo đã được các nhóm nghiên cứu của trường lần lượt trình bày. Các nội dung này nhận được khoảng 10 ý kiến đóng góp liên quan đến phương pháp đào tạo hiện đại, khuyến khích tinh thần học tập cho sinh viên là kết nối thực tế với lý thuyết.
Môn học các chương trình đào tạo thạc sĩ tài chính công, quản trị tài chính, cử nhân tài chính công, thuế, digital marketing… cần được rà soát và sắp xếp lại cho hợp lý; cần dung hòa được các môn lĩnh vực tài chính với lĩnh vực ngân hàng, đặt tên các môn học sao cho dễ hiểu; căn cứ từ kinh nghiệm thực tiễn để định vị và xây dựng chương trình đào tạo phù hợp…
Kế nữa là cần đưa thêm môn ‘‘phân tích lợi ích chi phí’’ vào chương trình đào tạo, do cả lĩnh vực công lẫn tư đều cần; tách biệt rạch ròi các môn trong đào tạo lĩnh vực tài chính; xây dựng chương trình đào tạo phải đảm bảo được tính thực tế, tính bền vững…
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt - Hội đồng Giáo sư Nhà nước, hội thảo là một trong những bước quan trọng đón đầu nhiều chương trình sắp tới, nên cần lưu ý đến kết quả khảo sát điều tra thị trường lao động trong buối cảnh mới. Đó là có đến 70% ngành nghề có thể thay đổi và 80% ngành nghề mới sau 4 năm, nên cần phải định hướng và tiên đoán được những xu hướng mới dưới tác động của công nghệ.
‘‘Riêng đối với 5 ngành sắp được trường đào tạo, cần nắm bắt và bám sát 2 xu thế lớn hiện nay là ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển bền vững để lồng ghép vào xây dựng chương trình đào tạo, đồng thời rà soát các mục tiêu đào tạo, gắn kết giữa mục tiêu với chuẩn đầu ra từ khối giáo dục đại cương đến kiến thức cơ sở ngành, chuyên ngành; đảm bảo hợp lý, chặt chẽ…’’ - GS.TS Trần Thọ Đạt khuyến nghị.
Liên quan đến các ý kiến đóng góp tại hội thảo, có 10 ý kiến sâu sắc chi tiết và rất hữu ích. GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, Trường UFM cần lưu ý cân nhắc, tiếp thu, sàng lọc những ý kiến đóng góp, đặc biệt là nên cố gắng duy trì được kênh liên hệ gắn kết với các cơ quan đơn vị để thường xuyên hoàn thiện các chương trình đào tạo kết hợp giữa nghiên cứu và ứng dụng, lý thuyết và thực tiễn.