Tăng hiệu quả giao khoán đất trong các công ty lâm nghiệp
Sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán trên 458.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Sáng 25/4, Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp cùng Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam hội thảo "Hiện trạng và đề xuất giải pháp giao khoán đất lâm nghiệp trong các công ty lâm nghiệp".
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Quốc Trị, sau 30 năm thực hiện chính sách về giao khoán, các công ty lâm nghiệp toàn quốc đã thực hiện khoán trên 458.000 ha, tương đương khoảng 27% tổng diện tích được quản lý.
Việc giao khoán đã làm chuyển biến tích cực trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp, cơ bản đáp ứng mục tiêu huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt là người dân địa phương tham gia cùng với các công ty lâm nghiệp Nhà nước, ban quản lý rừng để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, cải thiện cuộc sống người dân và góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Tuy vậy, trong quá trình thực hiện chính sách giao khoán cũng còn bộc lộ những bất cập và hạn chế, đặc biệt là việc quản lý đất đai và rừng gắn với sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp theo Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị.
Vì vậy, ngày 02/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 103-KL/TW, trong đó chỉ đạo: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nhất là văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công để hoàn thành sớm việc sắp xếp, đổi mới và thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp”. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 10/9/2024 về thúc đẩy công tác sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp theo kết luận của Bộ Chính trị.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết, chính sách giao khoán rừng và đất lâm nghiệp đã có nhiều thay đổi theo từng thời kỳ, tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều bất cập trong thực tiễn. Các quy định mới về đối tượng nhận khoán, hạn mức khoán, thời hạn khoán và quyền lợi, trách nhiệm của bên nhận khoán chưa hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cả bên khoán và bên nhận khoán trong việc thiết lập hồ sơ và thực hiện hợp đồng.
Những bất cập trong công tác giao khoán đất lâm nghiệp xuất phát từ nhiều nguyên nhân như hạn chế trong tuyên truyền chính sách, lực lượng bảo vệ rừng mỏng, hồ sơ đất đai chưa hoàn thiện, việc giám sát chưa chặt chẽ và tranh chấp đất đai phức tạp. Việc xử lý các vi phạm còn lúng túng, thiếu chế tài răn đe, gây khó khăn cho quá trình thực hiện và quản lý hợp đồng khoán.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN
Theo ông Nguyễn Văn Tiến, cần điều chỉnh bổ sung cơ chế chính sách theo hướng. Với diện tích đã giao/cho thuê quyền quản lý sử dụng đất cho công ty thì để công ty chủ động thực hiện các biện pháp kinh doanh theo quy định của pháp luật. Đối với công tác khoán, đề nghị nhà nước hướng dẫn khung chính sách, còn phương thức khoán, nội dung khoán, quyền, nghĩa vụ của các bên và vai trò trách nhiệm của công ty, của hộ nhận khoán, phương thức ăn chia, xử lý vi phạm… do công ty và hộ nhận khoán thỏa thuận và thực hiện theo quy định của Luật Dân sự.
Cơ quan quản lý cần tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức thực hiện về quản lý sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xử lý các trường hợp tranh chấp hợp đồng khoán, cho thuê, cho mượn, lấn chiếm, tranh chấp, liên doanh liên kết, hợp tác đầu tư sai quy định và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai. Đồng thời, lập phương án quản lý, sử dụng đất của các công ty nông lâm nghiệp khi trả về địa phương gắn với chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm an sinh xã hội.
Để quản lý và sử dụng có hiệu quả, ông Nguyễn Bá Ngãi, Chủ tịch Hội chủ rừng Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các tỉnh có các công ty nông, lâm nghiệp phối hợp đôn đốc, tạo hành lang pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính để các công ty nông lâm nghiệp chuyển đất lâm nghiệp về địa phương. Các địa phương tập trung hoàn thành kiểm kê đất, thống kê người đang sử dụng xây dựng phương án tổ chức sử dụng đất được bàn giao cho địa phương; giải quyết dứt điểm các các diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm.
Địa phương phải xử lý, giải quyết các trường hợp cấp trùng; tiến hành xây dựng phương án quản lý, giao và sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ở góc độ cơ hội tiếp cận thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm sản được sản xuất trên các diện tích đất lâm nghiệp và cơ hội từ thị trường tín chỉ carbon rừng, ông Tô Xuân Phúc, Tổ chức Forest Trends cho rằng, cơ hội chỉ có thể trở thành hiện thực nếu các tồn tại trong khâu sử dụng đất, bao gồm tồn tại trong các hình thức khoán, được giải quyết triệt để.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tang-hieu-qua-giao-khoan-dat-trong-cac-cong-ty-lam-nghiep/371429.html