Tăng huyết áp - kẻ giết người thầm lặng
Tăng huyết áp được ví như 'kẻ giết người thầm lặng' bởi đặc tính âm thầm, khó phát hiện của nó. Theo số liệu từ Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, ước tính 1/4 người trưởng thành ở nước ta (trên 25 tuổi) mắc căn bệnh này.

Tầm soát tăng huyết áp tại Bệnh viện Hòe Nhai (Hà Nội). Ảnh: BVCC.
50% dân số nhận thức chưa đúng về tăng huyết áp
Tăng huyết áp là tình trạng xảy ra khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140, huyết áp tâm trương lớn hơn 90 mmHg hoặc đang dùng thuốc điều trị. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ tăng huyết áp trên thế giới từ 23 - 37%, tức cứ 3 - 4 người thì có một người mắc. Trong đó, tỷ lệ mắc tăng huyết áp ở khu vực châu Á, bao gồm Việt Nam, lên tới 28,3%. Tuy nhiên, có tới 50% người bệnh chưa có nhận thức tốt về tăng huyết áp.
Thống kê từ Hội tim mạch Việt Nam cũng chỉ ra, khoảng 25 - 47% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Đáng báo động hơn khi số người tăng huyết áp mà không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tỉ lệ tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát tốt cũng chỉ đạt khoảng 1/3.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, hiện nay, tỷ lệ người mắc tăng huyết áp ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Tại Việt Nam, có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp. Nguy hiểm hơn, nhiều người không biết mình mắc bệnh.
Đơn cử trường hợp bà N.T.L. (65 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh) nhập Phòng khám Đa khoa Tâm Anh quận 7 trong tình trạng tê yếu chân tay, liệt nửa người bên trái, nói đớ khó nghe. Thời điểm nhập viện, huyết áp bà L. tăng đến 200/100 mmHg, trong khi huyết áp bình thường dưới 140/90 mmHg. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị đột quỵ giờ thứ ba, tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng đột quỵ. Đáng chú ý, bà L. chưa từng biết mình tăng huyết áp trước đây, chỉ có bệnh sử vảy nến đã điều trị ổn định.
PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền đánh giá, tăng huyết áp là nguy cơ tiềm ẩn hàng đầu gây ra đột quỵ, khoảng 80% trường hợp đột quỵ có bệnh tăng huyết áp song nhiều người không biết mình mắc bệnh. Bởi tăng huyết áp thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu.
“Tăng huyết áp chỉ được phát hiện bằng việc đo huyết áp người bệnh do nhân viên y tế thực hiện. Đây là một hành động vô cùng đơn giản, nhanh gọn, người dân có thể phát hiện tăng huyết áp dễ dàng bằng cách khám sức khỏe định kỳ thế nhưng có rất nhiều người bệnh không biết về tình trạng của họ vì họ không bao giờ được chẩn đoán” – ông Hiền lý giải.
Bệnh có thể phòng ngừa
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân, bệnh tăng huyết áp hoàn toàn có thể được phòng ngừa hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh với chế độ ăn hợp lý, người dân nên ăn dưới 5g muối/ngày; tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi (vì chất xơ có trong rau quả có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp); nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp. Nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ cao tuổi, sau mãn kinh. Vì vậy, cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý và cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ. Người dân cũng nên tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp, tập thể dục, đi bộ hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày, ít nhất 3 - 4 lần/tuần. Đặc biệt, không hút thuốc lá hoặc thuốc lào; hạn chế uống bia rượu; tránh các lo âu, căng thẳng; sống tích cực, cần chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; không thức khuya, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ.
Cần theo dõi huyết áp đều đặn, với những người khỏe mạnh, dù không bị tăng huyết áp cũng cần kiểm tra huyết áp ít nhất hai lần mỗi năm. Nhiều người không biết huyết áp mình cao, vì bệnh thường không có triệu chứng. Kiểm soát trị số huyết áp và khống chế huyết áp để đạt được trị số huyết áp mục tiêu.
Huyết áp nên duy trì dưới 120/80mmHg. Trên mức 140/90 mmHg là tăng huyết áp. Trong trường hợp mắc tăng huyết áp, cần dùng thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ, đừng bỏ sót một ngày nào dù thấy khỏe mạnh và cả khi huyết áp đã trong giới hạn bình thường. Nếu cho rằng có thể giảm liều lượng thuốc thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-huyet-ap-ke-giet-nguoi-tham-lang-10300364.html