Tăng huyết áp thai kỳ: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

Tăng huyết áp (THA) thai kỳ là biến chứng nội khoa thường gặp nhất ở phụ nữ mang thai, chiếm khoảng 10% tổng số thai kỳ, là 1 trong 3 nguyên nhân quan trọng gây tử vong mẹ trên toàn thế giới.

1. Nguyên nhân gây tăng huyết áp thai kỳ

Tăng huyết áp thai kỳ có thể xuất phát từ một số nguyên nhân chính yếu sau:

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai không khoa học, thai phụ ăn quá mặn;

Thai phụ không hoạt động thể chất, không dưỡng thai đúng cách;

Thời tiết thay đổi đột ngột, quá nóng hoặc quá lạnh;

Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi;

Thai phụ mắc bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh lý liên quan dẫn đến biến chứng cao huyết áp khi mang thai.

Các yếu tố nguy cơ khi bị tăng huyết áp thai kỳ là:

Con so

Đa thai
Tiền căn tiền sản giật
Tăng huyết áp mạn

Đái tháo đường trước khi mang thai

Đái tháo đường thai kỳ

Bệnh lý huyết khối

Lupus ban đỏ hệ thống

BMI trước khi mang thai > 30

Hội chứng kháng phospholipid

Mẹ ≥ 35 tuổi

Bệnh lý thận

Hỗ trợ sinh sản

Khó thở khi ngủ

Phụ nữ có thai nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

Phụ nữ có thai nên kiểm tra sức khỏe thường xuyên.

2. Biểu hiện tăng huyết áp thai kỳ

Tùy theo cơ địa từng thai phụ mà bệnh có thể có những triệu chứng khác nhau, tuy nhiên có những trường hợp thai phụ không có bất cứ dấu hiệu nào. Thông thường các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai xuất hiện trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ gồm:

Sưng phù chân, tay

Tăng cân đột ngột

Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực thoáng qua,…)

Buồn nôn, nôn mửa

Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.

Bị tiền sản giật có những dấu hiệu gì?
Thai phụ tiền sản giật có thể xuất hiện các triệu chứng sau:

Phù mặt hoặc tay

Buồn nôn và nôn ở nửa cuối thai kỳ

Tăng cân đột ngột.

Khi có dấu hiện nặng, có thể có:

Đau bụng, đau đầu dữ dội

Nhìn mờ hoặc nhìn thấy đốm đen

Huyết áp tâm thu ≥160mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥110mmHg

Khó thở

Chức năng gan, thận bất thường

Số lượng tiểu cầu trong máu thấp.

Tuy nhiên, tiền sản giật có thể phát triển âm thầm mà không hề hay biết. Do đó, việc khám thai rất quan trọng cho dù bạn cảm thấy bình thường. Theo dõi huyết áp là phương pháp đơn giản để có thể phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời.

3. Bệnh tăng huyết áp thai kỳ có lây không?

Tăng huyết áp thai kỳ không phải là bệnh lây nhiễm nên không thể lây.

4. Phòng ngừa tăng huyết áp thai kỳ

Nên vận động nhẹ nhàng khi mang thai.

Nên vận động nhẹ nhàng khi mang thai.

Tăng huyết áp thai kỳ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Để tránh được những sự cố đáng tiếc xảy ra, trước khi có kế hoạch mang thai, phụ nữ nên lưu ý những vấn đề sau:

Tránh mang thai, sinh nở khi tuổi đã cao Phụ nữ thừa cân cần có kế hoạch giảm cân trước khi mang thai

Thực hiện chế độ ăn uống lành lạnh, ăn nhiều hoa quả, rau xanh,… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nếu đã mắc bệnh đái tháo đường, thai phụ cần kiểm soát tốt đường huyết trước và trong suốt quá trình mang thai

Tập thể dục thể thao điều độ trước và trong thai kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Những thai phụ được chẩn đoán tiền sản giật cần vận động nhẹ nhàng, không khuyến khích nằm tại giường trong thời gian dài.

Với phụ nữ có nguy cơ cao hoặc trung bình tiền sản giật sẽ được tư vấn sử dụng thuốc và bổ sung canxi (1,5-2 g/ngày đường uống) được khuyến cáo phòng ngừa tiền sản giật ở phụ nữ với chế độ ăn nhập ít canxi (< 600 mg/ngày) tại lần khám tiền sản đầu tiên.

5. Điều trị tăng huyết áp thai kỳ

Điều trị tăng huyết áp trong thai kỳ phụ thuộc vào huyết áp, tuổi thai và sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ liên quan mẹ và thai. Hầu hết phụ nữ với tăng huyết áp mạn tính và chức năng thận bình thường có tăng huyết áp không nặng (140–59/90–109 mmHg) và nguy cơ thấp biến chứng tim mạch.

Điều trị không dùng thuốc

Điều trị không dùng thuốc trong thai kỳ cũng được khuyến cáo trong đó cần chú ý đến chế độ ăn và thay đổi lối sống. Tập thể dục thường xuyên giúp tránh tăng cân quá nhiều nhưng không giảm cân.

Cần vận động nhẹ nhàng bằng các bài tập yoga cho mẹ bầu, ngồi thiền hoặc làm các công việc nhà vừa phải,… tránh lo lắng, căng thẳng, thức khuya. Hạn chế hoạt động thể lực nặng ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và con.

Chế độ ăn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, không cần hạn chế muối, đặc biệt thai phụ sắp sinh vì giảm muối có thể gây giảm thể tích lòng mạch. Cần chú ý thực phẩm giàu canxi, tránh khói thuốc lá, không sử dụng rượu bia, chất kích thích. Tăng cân đủ tiêu chuẩn, phụ nữ béo phì được khuyến cáo tránh tăng quá 6.8 kg trong thai kì.

Điều trị dùng thuốc

Với mục đích điều trị tăng huyết áp để giảm nguy cơ cho mẹ, các thuốc hạ áp được chọn lựa phải hiệu quả và an toàn cho thai.

Một số loại thuốc huyết áp được coi là an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, cần tránh dùng thuốc ức chế men chuyển (ACEI), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) và thuốc ức chế renin trong thai kỳ.

Huyết áp cao làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng khác. Và huyết áp cao có thể gây nguy hiểm cho em bé. Nên kiểm soát huyết áp rất quan trọng. Nếu cần dùng thuốc huyết áp, nên dùng thuốc chính xác theo quy định của các bác sĩ. Đừng tự ý ngừng dùng hoặc thay đổi liều lượng. Uống thuốc huyết áp đúng liều lượng hàng ngày khi được kê toa. Duy trì lối sống tích cực. Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh. Tránh hút thuốc, rượu và các chất kích thích.

Tăng huyết áp vẫn là nguyên nhân chính của bệnh tật và tử vong đối với mẹ, thai và sơ sinh. Nguy cơ của tăng huyết áp đối với mẹ gồm nhau bong non, đột quỵ, suy đa cơ quan và đông máu nội mạch lan tỏa. Trong khi đó, thai nhi có nguy cơ cao chậm phát triển, sinh non (27% trường hợp tiền sản giật) và thai chết lưu (4% trường hợp tiền sản giật).

BSCKI Nguyễn Thị Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-huyet-ap-thai-ky-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169240714175525879.htm