Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp

Tăng trưởng tín dụng thấp do các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm là tín hiệu cảnh báo khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khá chậm, đòi hỏi cần đẩy nhanh các giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN.

Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Cung - cầu tín dụng khó gặp nhau

Tính đến hết tháng 5, tín dụng của nền kinh tế tăng khoảng trên 3,17% so với cuối năm 2022, trong khi cùng kỳ năm trước tăng khoảng 8% cho thấy điều gì, thưa ông?

- Tăng trưởng tín dụng thấp vì nhiều lý do: nhu cầu vay vốn của DN, người dân giảm trong bối cảnh kinh tế khó khăn; các gói ưu đãi lãi suất hiện tại chưa đi vào thực tiễn; lãi suất điều hành và lãi suất huy động đã giảm tương đối, nhưng lãi suất cho vay vẫn neo ở mức cao. Ngoài ra, sự suy yếu của thị trường bất động sản cũng là nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm.

Như vậy, có nhóm DN bảo đảm đủ điều kiện để vay vốn, nhưng không muốn vay vì đơn hàng giảm, hàng hóa tồn kho nhiều, không sản xuất nên không có nhu cầu vay vốn. Còn lại là nhóm không thể vay vốn, thiếu điều kiện vay vốn do kinh doanh khó khăn, ngân hàng đánh giá rủi ro nên cho vay ít hơn nhu cầu của DN.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh hạ lãi suất điều hành và cũng là lần 3 hạ lãi suất. Điều này có đủ giúp DN tiếp cận vốn tín dụng, thưa ông? Ông nhận xét gì về lãi suất hiện nay?

- Lãi suất đã giảm qua 3 kỳ điều hành vừa rồi của NHNN, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã điều chỉnh giãm lãi vay sau động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung vẫn còn cao, chưa giảm như kỳ vọng, việc đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả là rất khó khăn.

Cần hạ lãi suất cho vay để phù hợp với “sức khỏe” DN. Hiện lãi suất cho vay vẫn từ 9 - 10% trở lên, có khoản vay 12 - 13%. Trong bối cảnh lợi nhuận của nhiều DN sụt giảm, với DN lãi suất như vậy vẫn là quá cao. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm 2023 chỉ 6% trở xuống. Tức là cả nền kinh tế tạo ra của cải trong năm 2023 (và nhiều năm trước đó) không đủ để trả nợ lãi vay. Hiện các nhà sản xuất rất khó đạt mức lợi nhuận 10% nên để cho nền kinh tế chung cộng đồng DN tiếp cận được vốn và sử dụng được vốn có hiệu quả thì lãi suất nên ở mức 7 - 8% trở xuống.

Một số chính sách cũng được triển khai như gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách, hay gói tín dụng 120.000 đồng cho bất động sản, nhưng vẫn khó giải ngân vì sao vậy, thưa ông?

- Gói hỗ trợ 2% lãi suất, số tiền đã hỗ trợ khách hàng lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 409 tỷ đồng, tức chỉ đạt hơn 1% tổng giá trị.

Việc đặt ra tiêu chí “có khả năng phục hồi” trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó lường, sản xuất, kinh doanh khó như hiện nay khiến khoảng 87% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất.

Tuy nhiên, cần nói rằng, gói hỗ trợ này là tiền ngân sách Nhà nước do đó ngân hàng chú trọng theo dõi và kiểm soát được dòng tiền trả nợ của DN. DN phải cung cấp kế hoạch kinh doanh cụ thể và trung thực để ngân hàng đánh giá đúng thực tế sản xuất, kinh doanh.

Thực tế, ít nhiều các ngân hàng vẫn còn tâm lý e ngại khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất từ năm 2009 đến nay vẫn chưa được quyết toán.

Trong khi đó, đối tượng hưởng gói hỗ trợ đã hẹp (11 nhóm) nên ngân hàng chỉ triển khai hỗ trợ lãi suất được vài món nhỏ lẻ, không đáng kể. Ngân hàng không thể hạ chuẩn tín dụng để cho vay nhưng để khơi thông được gói hỗ trợ, cần có quy định mở rộng đối tượng cho vay.

Cùng với đó, có thể sử dụng nguồn lực từ gói hỗ trợ này cho các chính sách khác khả thi hơn như giảm thuế, phí, hỗ trợ đào tạo nhân lực, chính sách an sinh cho người lao động… Đó cũng chính là hỗ trợ cho DN.

Còn gói 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn của các NHTM (trong đó chủ lực là 4 NHTM Nhà nước cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội cho vay) cũng chưa giải ngân được.

Các bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.

Lãi suất có thể giảm thêm

Đang có rất nhiều NHTM rầm rộ đưa ra các chương trình giảm lãi suất cho vay. Đây có phải là tín hiệu tích cực cho các DN không, thưa ông?

- Các ngân hàng công bố một số chương trình cho vay lãi suất ưu đãi. Thế nhưng, sau thời gian ưu đãi, lãi suất vay thường điều chỉnh lên mức khá cao. Không kể cá nhân vay tiêu dùng luôn có lãi suất cao hơn thì các DN cũng phải gánh nặng chi phí này.

Hiện nay nhiều DN do kinh doanh khó khăn, bên cạnh việc mong giảm lãi suất, các DN còn mong muốn ngành ngân hàng triển khai các giải pháp khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay cũ để DN giảm bớt áp lực tài chính ở giai đoạn hiện nay.

Các DN đang bị chôn vốn lớn vào lượng hàng tồn kho trong khi đầu ra giảm sút, dòng tiền về chậm mà vẫn phải trả lãi, vốn cho các khoản vay cũ dẫn đến nguy cơ cao là DN sẽ nhảy nhóm nợ.

Do đó, các ngân hàng cần triển khai nhanh Thông tư 02/2023 của NHNN về gia hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ ban hành, cho phép các khoản nợ đến hạn, các khoản trả lãi đến hạn của người dân, DN gặp khó khăn chưa có điều kiện trả nợ ngân hàng được tiếp tục giãn, hoãn thời hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ.

Cần nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo ông, có cách nào để cải thiện khả năng hấp thụ vốn của DN?

- Để gỡ nút thắt về tín dụng, bên cạnh lãi suất, nhiều DN cũng mong muốn các điều kiện cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp.

Thay vì bất động sản, ngân hàng có thể chấp nhận thế chấp bằng nguyên vật liệu, hoặc các hợp đồng kinh tế để hỗ trợ DN có vốn sản xuất kinh doanh. Có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với từng đối tượng cụ thể, hướng tín dụng vào đúng vào các địa chỉ, lĩnh vực cần thiết.

Các NHTM rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay của DN. Phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.
Bên cạnh các giải pháp trên, điều quan trọng là thực hiện các giải pháp để gia tăng "sức khỏe" cho DN. Song hành với đó là việc khơi thông đầu ra cho sản phẩm và DN cũng quan trọng không kém.

Tăng sức cầu cho nền kinh tế đang là hướng đi cần thiết để hỗ trợ cho các DN lúc này; đẩy nhanh tiến độ các dự án công trọng điểm. Hiện nay chúng ta kỳ vọng yếu tố này trong thời gian tới sẽ hỗ trợ thêm sức cầu, tổng cầu của nền kinh tế.

Chúng ta cần sử dụng tối đa các công cụ hỗ trợ người dân, DN; tiếp tục nỗ lực giảm chi phí đầu vào bằng các biện pháp như giảm thuế phí; thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác chủ động, linh hoạt, kịp thời hơn nữa; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm những thủ tục không cần thiết.

Chúng ta cần tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh phân phối, các thị trường mới, tiềm năng, khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, truyền thống; tận dụng tối đa lợi ích các FTA thế hệ mới; đổi mới công nghệ, quản trị, tăng cường chuyển đổi số… để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.

Vừa qua, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, “DN khó khăn, ngân hàng vẫn lãi chục nghìn tỷ”. Ngân hàng đang “vô cảm” trước “nỗi đau” của DN?

- Như năm 2022, hơn 20 ngân hàng báo lãi ở mức kỷ lục và toàn ngành làm ra hơn 11,5 tỷ USD (khoảng 265.000 tỷ đồng) lợi nhuận nhờ tín dụng tăng mạnh và giảm trích lập dự phòng. Trong quý I/2023, thống kê báo cáo tài chính của 27 ngân hàng đã lên sàn cũng cho thấy, số ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng dương trong quý I/2023 vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo (19 ngân hàng), với tốc độ tăng từ 2,7% -74% so với cùng kỳ.

NHNN đã chỉ rõ lãi suất cho vay đầu tháng 4 của nhiều ngân hàng vẫn lên tới 13 - 14%/năm, cá biệt có ngân hàng đưa lãi suất cho vay bình quân lên tới 14,63%/năm. Thực tế qua thanh tra, kiểm tra, một số ngân hàng huy động thấp mà lại cho vay cao, nới mức chênh lệch lên lớn hơn nhiều thông thường.

Hưởng ứng kêu gọi của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng cũng dành một phần vốn để cho vay với lãi suất ưu đãi. Nhưng vốn rẻ này luôn bơm một cách có chọn lọc, tập trung ở các DN lớn, khỏe mạnh. Các DN còn lại phải chấp nhận vay lãi suất cao hơn. Dù ngân hàng cũng là DN, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi ngân hàng, cổ đông, nhưng cần có sự chia sẻ với cộng đồng DN, bằng cách giảm bớt biên lợi nhuận để giảm lãi vay. Đó mới đúng là đồng hành cùng DN.

Xin cảm ơn ông!

Lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tục giảm. Lãi suất huy động giảm rõ rệt, tạo tiền đề cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, thanh khoản trên thị trường dồi dào, tỷ giá tương đối ổn định, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm thêm trong nửa cuối năm nay. Dù vậy, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Có như vậy, mới tiếp sức giúp DN, người dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-kha-nang-hap-thu-von-cho-doanh-nghiep-721671.html