Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả

Sáu tháng đầu năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn thấp, hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm

Sáu tháng đầu năm nay, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm và khả năng hấp thụ vốn tín dụng còn thấp, hệ thống ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm "mục tiêu kép”: vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn cho các thành phần kinh tế, vừa đảm bảo tăng trưởng tín dụng (TTTD) an toàn, hiệu quả.

Trong nỗ lực chung của toàn ngành, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh tỉnh Hòa Bình triển khai các giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Trong nỗ lực chung của toàn ngành, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh tỉnh Hòa Bình triển khai các giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Hướng tới mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 đầu mối tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động, gồm: 4 NH thương mại nhà nước; 5 NH thương mại cổ phần; NH Chính sách xã hội; 3 quỹ tín dụng nhân dân. Ngoài ra, có 939 điểm giới thiệu dịch vụ của các công ty tài chính tiêu dùng.

Ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay, TTTD của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt 1,5% so với cuối năm 2023, tương đối đồng tốc với mức tăng trưởng kinh tế của tỉnh là 1,81%. Thống kê6 tháng, tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 35.147 tỷ đồng, tăng 1,5% so với cuối năm 2023; tổng dư nợ toàn địa bàn tăng 2% so với cuối năm 2023.

Phân tích kết quả giải ngân tín dụng có thể thấy các TCTD đã thực hiện tốt các chính sách tín dụng và chương trình cho vay ưu đãi, trong đó chú trọng cho vay các lĩnh vực ưu tiên. Cụ thể: Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối tháng 6/2024 đạt 18.592 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,5% tổng dư nợ. Dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa đạt 9.208 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% tổng dư nợ. Cho vay xuất khẩu 40 tỷ đồng. Cho vay công nghiệp hỗ trợ 22 tỷ đồng. Cho vay các hợp tác xã đạt trên 30 tỷ đồng... Trong tình hình chung, hoạt động của chi nhánh NHCSXH tỉnh được đánh giá là nổi bật với mức tăng trưởng 5,5% so với thời điểm 31/12/2023; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,08% tổng dư nợ (trong khi tỷ lệ nợ xấu của hệ thống TCTD toàn tỉnh khoảng 0,96%; giới hạn cho phép dưới 3%).

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, TTTD 6 tháng đầu năm thấp do nguyên nhân chủ yếu là nền kinh tế còn nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của các thành phần kinh tế hạn chế, nhu cầu vay vốn tín dụng giảm, nhất là khu vực kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, DN nhỏ và vừa... Để hoàn thành mục tiêu TTTD năm 2024 khoảng 15% so với cuối năm 2023, các TCTD trên địa bàn tỉnh sẽ phải vượt qua nhiều thách thức và tăng tốc trong 6 tháng cuối năm.

Trên thực tế, các TCTD đều mong muốn bảo đảm mục tiêu TTTD và khẳng định không thiếu vốn để "bơm” cho nền kinh tế. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, giải ngân tín dụng là bài toán khó, bởi lời giải không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Khi khách hàng gặp khó trong khả năng tiếp cận vốn cũng như khả năng trả nợ thì đồng nghĩa áp lực rất cao đối với khả năng tăng trưởng cũng như chất lượng tín dụng của ngành NH. Chính vì thế, trong 6 tháng cuối năm, toàn ngành xác định cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân.

Nỗ lực đồng hành cùng khách hàng

Với nỗ lực đồng hành hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, NHNN chi nhánh tỉnh đã tích cực chỉ đạo các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Kết quả, trong 6 tháng qua đã cơ cấu lại nợ đối với 94 khách hàng; dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 1.256 tỷ đồng, nợ lãi được cơ cấu lại trên 58 tỷ đồng. Đây là chính sách nhận được sự tán thành từ cộng đồng DN, vì nhờ đó, DN có thêm bước đệm để phục hồi, củng cố thêm nội lực để vừa hoàn trả nợ vay, vừa tiếp tục sản xuất - kinh doanh. Chính vì thế, việc NHNN quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư số 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024 là tin vui đối với DN, hứa hẹn sẽ tiếp sức cho nền kinh tế.

Năm nay, việc NHNN Việt Nam cấp chỉ tiêu TTTD định hướng cho các TCTD ngay từ đầu năm ở mức 15% (có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế), không chỉ giúp các TCTD tăng tính chủ động trong hoạt động cho vay mà còn góp phần mở rộng khả năng tiếp cận vốn của người dân, DN. Tại tỉnh Hòa Bình, ngay từ đầu năm, ngành NH đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo TTTD an toàn, hiệu quả gắn với quyết tâm đồng hành tháo gỡ khó khăn cho khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh. NHNN chi nhánh tỉnh đã chú trọng tổ chức các hội nghị kết nối giữa ngành NH với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như cộng đồng DN trên địa bàn. Qua đó nắm bắt khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế tại địa phương.

Đồng chí Ngô Quang Lợi, quyền Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh cho biết: Từ nay đến cuối năm, các TCTD trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm TTTD an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng vốn phục vụ phát triển KT-XH địa phương. Bối cảnh hiện nay đòi hỏi ngành NH phải đặt quyết tâm cao hơn nữa để thúc đẩy TTTD, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN Việt Nam và của UBND tỉnh để chỉ đạo, đôn đốc các TCTD trên địa bàn triển khai có hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và NH. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo hoạt động NH tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hiện thực hóa các mục tiêu năm 2024 và tạo đà phát triển bền vững cho các năm tiếp theo.

Thu Trang

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/191395/tang-truong-tin-dung-an-toan,-hieu-qua.htm