Tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Các chuyên gia và đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sớm có các giải pháp nâng tầm doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ cơ cấu lại năng lực sản xuất, tránh thâm dụng vốn...
Theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê vào cuối tháng 6/2023 thì chỉ có khoảng từ 18,5% - 28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá có tình hình sản xuất kinh doanh quý 2 tốt hơn quý 1; 36,2-43,2% đánh giá tình hình ổn định và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm. Khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh.
DOANH NGHIỆP MONG MUỐN ĐƯỢC VAY TÍN CHẤP HẠN MỨC CAO
Tại tọa đàm “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” được tổ chức cuối tháng 7, ông Vũ Công Huân, Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC, một doanh nghiệp chế biến thủy sản và bán lẻ, cho biết đến nay, đơn hàng của HDC giảm khoảng 27% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đơn hàng giảm nhưng doanh nghiệp này vẫn cần một lượng vốn lưu động lớn để phục vụ sản xuất.
“Chúng tôi muốn được vay tín chấp dựa trên dòng tiền để đảm bảo vốn lưu động. Bởi vì khi chúng tôi bán hàng cho khách thì sẽ thu tiền sau 2 tháng, nhưng lúc thu mua nguyên liệu đầu vào của nông dân thì trả tiền mặt ngay. Trong 2 tháng đó, chúng tôi rất cần vốn lưu động”, ông Vũ Công Huân nói.
Hiện nay, có 3 ngân hàng đang cấp tín dụng cho công ty HDC, tổng hạn mức lên tới 80 tỷ đồng nếu có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, nếu không có tài sản bảo đảm thì chỉ vay được tối đa 10 tỷ đồng.
"Chúng tôi muốn được vay tín chấp dựa trên dòng tiền để đảm bảo vốn lưu động. Bởi vì khi chúng tôi bán hàng cho khách thì sẽ thu tiền sau 2 tháng nhưng lúc thu mua nguyên liệu đầu vào của nông dân thì trả tiền mặt ngay. Trong 2 tháng đó, chúng tôi rất cần vốn lưu động".
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC.
“HDC cũng đã trao đổi với các ngân hàng nhưng phía ngân hàng đều cho biết hạn mức vay tín chấp tối đa của doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ được từ 3 đến 5 tỷ đồng. Như vậy, 3 ngân hàng cộng lại cũng chỉ được khoảng 10 tỷ vay tín chấp. Chúng tôi có thể đề nghị thế chấp bằng khoản phải thu được không?”, Giám đốc công ty HDC nêu vấn đề.
Thực tế, HDC có các khách hàng lớn như Vingroup, Masan, Lotte FNB... Báo cáo tài chính, dòng tiền của các công ty này tốt, 4 năm nay chưa có ngày nào tiền khách hàng thanh toán về chậm quá 5 ngày, nên có thể tín chấp bằng các khoản phải thu như vậy để được vay vốn.
Do đó, Giám đốc Công ty HDC kiến nghị các ngân hàng cần có cơ chế, chính sách cho vay tín chấp hạn mức cao hơn đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa có khách hàng tốt, dòng tiền tốt.
Câu chuyện trên chỉ là một trong muôn vàn tình huống vướng mắc của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tiếp cận vốn tín dụng.
Từ góc độ ngân hàng, ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV, cho rằng: “Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa năng lực quản trị chưa thực sự tốt. Quá trình thẩm tra để cấp tín dụng, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có hai báo cáo tài chính, trong đó báo cáo tài chính gửi cho ngân hàng và báo cáo thuế với số liệu không thống nhất với nhau, cho nên chúng tôi rất khó để đánh giá một cách chính xác về năng lực của doanh nghiệp cũng như dòng tiền của doanh nghiệp để từ đó có sự hỗ trợ, giải ngân”.
DOANH NGHIỆP CẦN NÂNG CAO NĂNG LỰC
Theo ông Trần Long, việc một doanh nghiệp quan hệ vay với quá nhiều tổ chức tín dụng cũng khiến ngân hàng khó kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp, từ đó ngại ngần cho vay tín chấp.
“Vừa rồi, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 để tạo điều kiện cơ cấu lại nợ, giúp cho doanh nghiệp tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cùng một lúc doanh nghiệp quan hệ vay với 5 - 7 ngân hàng khiến các tổ chức tín dụng hơi nản lòng trong việc thực hiện giải pháp hỗ trợ, giải pháp cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp”, ông Long nói.
"Tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có năng lực quản trị chưa thực sự tốt. Quá trình thẩm tra để cấp tín dụng, chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có hai báo cáo tài chính. Một báo cáo tài chính gửi cho ngân hàng và báo cáo thuế với số liệu không thống nhất với nhau, cho nên chúng tôi rất khó để đánh giá một cách chính xác về năng lực của doanh nghiệp cũng như dòng tiền của doanh nghiệp để từ đó có sự hỗ trợ, giải ngân".
(Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc BIDV)
Để khắc phục những rào cản về năng lực quản trị và tính minh bạch của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãnh đạo BIDV cho biết, ngân hàng đã xây dựng quy trình cấp tín dụng đặc thù đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa với cơ chế đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý. Đồng thời, ban hành các sản phẩm tín dụng theo lĩnh vực ngành nghề với quy trình rút gọn phù hợp với đặc điểm ngành kèm theo cơ chế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển tín dụng ngành như: gói sản phẩm tài trợ doanh nghiệp ngành dược phẩm, ngành sản xuất thiết bị điện, ngành xây lắp...
Ngoài ra, BIDV cũng phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp tổ chức nhiều chương trình kết nối, đào tạo, hội thảo, nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực kinh doanh cho doanh nghiệp; tham gia các hội nghị kết nối, đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước, UBND các tỉnh tổ chức…
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, trong bối cảnh khó khăn hiện nay các doanh nghiệp phải chủ động tái cơ cấu thì ngân hàng mới dám cho vay.
“Cần rà soát lại danh mục đầu tư, cái gì mà mình có thể duy trì ổn định lâu dài thì phát triển. Tập trung vào các ngành cốt lõi, tránh việc mở rộng tràn lan. Anh đang làm mặt hàng này, bán hàng khó khăn anh lại chuyển sang một lĩnh vực mới và đề nghị ngân hàng cho vay thì tôi tin chắc rằng không một ngân hàng nào cho vay. Ngành nghề khó khăn thì doanh nghiệp phải tìm tòi giải pháp tháo gỡ chứ không phải chuyển hướng”, ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Thậm chí, theo ông Hùng, trong giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp phải chấp nhận cắt lỗ, giải phóng hàng tồn kho để thu hồi vốn.
“Ngành thủy sản hiện nay đang rất khó khăn, có khi xuất khẩu là lỗ bởi vì bây giờ Ecuador cạnh tranh rất gay gắt với Việt Nam về giá. Nếu mình giảm 10 đồng thì họ giảm 20 đồng. Nếu bây giờ doanh nghiệp thủy sản muốn ngân hàng cho vay để bảo quản từ giờ đến cuối năm chờ giá lên thì không ngân hàng nào dám cho vay. Sao các doanh nghiệp thủy sản không bán hàng đó cho thị trường nội địa để người dân mình tiêu dùng? Trong giai đoạn này phải chịu lỗ một chút để giải phóng hàng tồn kho”, ông Hùng phân tích.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhận định ngoài những các tác động khách quan từ thị trường thì các chính sách của Nhà nước vẫn chưa phát huy được tính đồng bộ. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa chứng minh được năng lực hoàn vốn cũng như năng lực quản lý, kế hoạch sản xuất kinh doanh và minh bạch tài chính… Do vậy, để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2023 phát hành ngày 31-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tạiđây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tang-kha-nang-hap-thu-von-cua-doanh-nghiep.htm