Tăng khả năng hấp thụ vốn không đồng nghĩa hạ chuẩn tín dụng
Tăng trưởng tín dụng thời gian qua có những hạn chế nhất định phần nào cho thấy khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn tạo nên sức ép lớn trong tăng trưởng kinh tế.
Tín dụng chỉ tăng trưởng 1,7%
Tác động của tình hình kinh tế thế giới và cuộc xung đột giữa Nga –Ukraine, kinh tế trong nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng đang chịu những tác động nặng nề. Rõ nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Khi 6 tháng đầu năm, khu vực công nghiệp - xây dựng chỉ đạt mức tăng trưởng 2,95%, trong khi đó mức tăng cùng kỳ năm trước là 11,84%.
Riêng lĩnh vực công nghiệp chỉ tăng 2,08%, giảm 11,18% so với mức tăng 13,26% của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do giá trị công nghiệp chưa đạt theo kế hoạch nhất là các sản phẩm chủ lực: dệt may, xi măng, dăm gỗ giảm. Xây dựng cũng chỉ đạt mức tăng 5,93%, trong khi mức tăng cùng kỳ là 6,8%.
Trước khó khăn này, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải tìm cách tiết giảm chi phí, hạn chế mở rộng hoạt động đầu tư. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến dư nợ tín dụng tại các tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 1,7% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm trước tăng 9,03%). Ngoài ra, thị trường bất động sản đang chững lại; người dân có nguồn thu trở lại từ sự khôi phục hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp, song dòng vốn ở các lĩnh vực ưu tiên vẫn được đảm bảo. Cơ cấu tín dụng vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát. Cụ thể đến cuối tháng 5/2023, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn đạt gần 14.143 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19% tổng dư nợ tín dụng; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.527 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,6%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 5.199 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,7%...
Sẽ rà soát tình hình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp
Tại hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp gần đây, bà Nguyễn Hoàng Thụy Vy, Giám đốc điều hành Khách sạn Mường Thanh Huế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh chia sẻ, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang gặp khó khăn trong tiếp cận với các gói tín dụng; nguyên nhân bắt nguồn từ việc doanh thu giảm, không có tài sản đảm bảo… Việc định giá cho vay quá thấp so với giá trị tài sản, mặt bằng lãi suất cho vay quá cao, điều kiện và quy trình thủ tục cấp tín dụng quá chặt chẽ… khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Bà Vy hy vọng, các ngân hàng sớm có chính sách tháo gỡ các khó khăn về tín dụng như: giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khoanh nợ cho doanh nghiệp, giải ngân một phần vốn để trả nợ quá hạn, giảm bớt các điều kiện tín dụng giúp doanh nghiệp tiếp cận với vốn vay…
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng hấp thụ vốn, đồng hành tốt hơn với doanh nghiệp trong khôi phục và phát triển kinh tế. Bằng chứng, chỉ tính từ giữa tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 phiên giảm lãi suất điều hành liên tiếp. Các ngân hàng thương mại cũng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay cũng như triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp.
Điều này phần nào cho thấy, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn không chỉ xuất phát từ bản thân nội tại của các ngân hàng mà vấn đề có thể bắt nguồn từ chính doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề không minh bạch trong báo cáo tài chính, phương án kinh doanh chưa đủ sức thuyết phục, không chứng minh được hiệu quả sử dụng vốn chính là trở ngại lớn nhất. Bởi ngoài tài sản đảm bảo, điều ngân hàng cần là thấy được hiệu quả kinh tế thông qua việc quản lý tốt dòng tiền để giảm bớt các rủi ro tín dụng.
Nói như ông Lê Hồng Long, Giám đốc Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên quá trình cho vay cũng cần đảm bảo được tiêu chí an toàn vốn. Tuy nhiên trong quá trình tiếp cận vốn vay doanh nghiệp nhận thấy, ngân hàng không chỉ dựa trên tài sản đảm bảo để cho vay mà còn dựa vào uy tín khách hàng. Ví như trong 2 năm 2019-2020 dù tình hình doanh nghiệp có gặp khó khăn nhất định, không có tài sản thế chấp nhưng vẫn được ngân hàng cho vay tín chấp.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng chia sẻ, thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn đang dồi dào, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế không thiếu. Ngân hàng Nhà nước cũng rất muốn tăng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn cấp tín dụng mà tăng trưởng tín dụng phải đi đôi với việc đảm bảo hiệu quả, chất lượng tín dụng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, hội, hiệp hội trên địa bàn rà soát tình hình tiếp cận vốn của các doanh nghiệp để nắm bắt, xử lý những vướng mắc phát sinh. Đồng thời, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp doanh nghiệp có đủ điều kiện nhưng ngân hàng không cho vay; các trường hợp doanh nghiệp bị thu thêm các khoản phí sai quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.