Tăng khiếu kiện bảo hiểm ô tô vì những điều khoản mập mờ
Khách mua bảo hiểm ô tô liên tiếp khiếu kiện hãng bảo hiểm do bị từ chối bồi thường không thuyết phục căn cứ vào những điều khoản mập mờ.
Điều khoản mập mờ, khách hàng bị bắt bẻ
Ngày 14/6/2019, bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên xử bên bị đơn là Tổng công ty CP Bảo hiểm hàng không VNI thua kiện bên nguyên đơn là Công ty Cổ phần PD (trụ ở tại Hòa Vang, Đà Nẵng) và buộc bảo hiểm VNI phải bồi thường cho nguyên đơn số tiền gần 267 triệu đồng.
Trước đó, ngày 10/9/2016 xảy ra vụ tai nạn của xe bơm bê tông hiệu Hino Putmester BKS 43C-129.97 tại TP Đà Nẵng. Nguyên nhân là do tấm gỗ kê chân trụ bơm bê tông bị vỡ khiến xe bị lật, gẫy chân trụ và hỏng hệ thống ống bơm bê tông. Cùng ngày, Công ty PD đã có thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường gửi VNI chi nhánh Đà Nẵng.
Tuy nhiên, ngày 17/9/2016, Bảo hiểm VNI có công văn thông báo từ chối bồi thường tổn thất của chiếc xe này vì cho rằng, tổn thất xảy ra khi có thiết bị chuyên dùng trên xe đang hoạt động nên thuộc điểm loại trừ bảo hiểm bởi theo bộ Quy tắc bảo hiểm vật chất xe cơ giới của VNI quy định loại trừ bồi thường khi: “Tổn thất là các thiết bị chuyên dùng trên xe cơ giới và tổn thất về xe cơ giới do hoạt động (trong mọi trường hợp) của các thiết bị chuyên dùng của xe cơ giới gây ra”. Sau nhiều lần thương thảo bất thành, bảo hiểm VNI đã bị doanh nghiệp trên khởi kiện ra tòa.
Sau đó, TAND TP Hà Nội nhận định, do điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm không được quy định rõ ràng trong hợp đồng và không được giải thích theo quy định gây bất lợi cho người mua bảo hiểm, do vậy theo quy định tại Điều 21 Luật Kinh doanh bảo hiểm, “trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Vì thế, VNI không có quyền áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm đối với khách hàng”, bản án phúc thẩm của TAND TP Hà Nội ngày 14/6/2019 nêu rõ.
Ngày 22/8/2019, Bản án phúc thẩm số 93 của TAND TP Hà Nội cũng yêu cầu Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt phải bồi thường cho khách hàng là Công ty TNHH Phát triển xây dựng thương mại Thịnh Phát (trụ sở tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội) số tiền 149,6 triệu đồng, cộng với tiền lãi trả chậm 66,8 triệu đồng của hơn 3 năm theo đuổi vụ kiện đồng thời phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm và phúc thẩm.
Nguồn cơn của vụ kiện dân sự dẫn đến 2 phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm với bản án nêu trên là việc Công ty Thịnh Phát, chủ sở hữu xe ô tô BKS 29C-623.16 và rơ moóc BKS 29R-04213 bị tai nạn lật xe chỉ 1 ngày sau thời điểm hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực nên Bảo Việt nhận định có yếu tố trục lợi bảo hiểm và yêu cầu cơ quan công an vào điều tra.
Tuy nhiên tại phiên xử, chủ tọa tòa phúc thẩm xác định, sự kiện bảo hiểm là có thật và nằm trong khoảng thời gian có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm nên đã buộc Bảo Việt phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty Thịnh Phát toàn bộ chi phí bồi thường bảo hiểm, cộng lãi ngân hàng sau 3 năm theo đuổi vụ kiện và toàn bộ phí sơ thẩm, phúc thẩm.
Khách hàng “chết chìm” trong rừng luật
“
Hợp đồng bảo hiểm thường là hợp đồng mẫu do bên bảo hiểm soạn, mặc dù có đăng ký tại Bộ Công thương và Bộ Tài chính, đăng ký hợp đồng mẫu lên Sở Công thương nhưng bên bảo hiểm có xu hướng “cài cắm” nhiều nội dung bất lợi cho khách hàng, đặc biệt là điều khoản loại trừ trách nhiệm bồi thường. Chưa kể, có tình trạng hợp đồng mẫu một kiểu, hợp đồng ký với khách hàng một kiểu mà khách hàng không thể kiểm soát.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
”
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty Tư vấn bảo hiểm InFair: “Nhiều trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm không cụ thể hóa, chi tiết hóa các điều khoản loại trừ, đến khi ra tòa thì căn cứ luật chuyên ngành mà tòa xem xét viện dẫn chính là Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó Điều 21 đã nêu rõ: “Trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm”. Lúc đó, điều khoản loại trừ mập mờ lại là điểm yếu “chí tử” của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho biết: -“Rủi ro của khách hàng khi mua bảo hiểm là “chết chìm” trong một rừng luật. Trong 10 trường hợp đòi bồi thường bảo hiểm thì có đến 9 trường hợp khách hàng bị bắt bẻ, phía bảo hiểm tìm mọi cách chứng minh khách hàng rơi vào điểm loại trừ. Vì thế, cơ quan quản lý Nhà nước như Cục Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cần phải cố gắng nhiều hơn để giảm bớt tình trạng khiếu nại bảo hiểm dẫn đến bức xúc như hiện nay.
“Nguyên nhân của hầu hết các vụ tranh chấp là do lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm khá phức tạp, có nhiều luật điều chỉnh như Luật Kinh doanh bảo hiểm và hàng chục văn bản dưới luật, bộ luật dân sự, luật thương mại và các luật chuyên ngành khác như luật hàng hải, các văn bản hướng dẫn đi kèm. Ngôn ngữ hợp đồng và quy tắc bảo hiểm đôi khi “máy móc”, dùng thuật ngữ chuyên ngành sao chép từ nước ngoài nên khi ký hợp đồng bảo hiểm, đa phần doanh nghiệp không hiểu hết về nội dung hợp đồng, pháp luật về bảo hiểm.
Trong khi đó, khi tiếp thị sản phẩm, bên bán thường tập trung vào các quyền lợi, ưu đãi để thu hút người mua, không giải thích rõ ràng về phạm vi bảo hiểm, điều kiện hưởng bảo hiểm, hướng dẫn khách hàng cách kê khai đúng, đủ và tránh các lỗi dẫn đến hợp đồng vô hiệu, giải thích về các trường hợp loại trừ trách nhiệm của bên bảo hiểm...”, luật sư Trương Anh Tú phân tích.