Tăng lãi suất huy động: Nỗi lo hết thời kỳ vốn rẻ
Khoảng hơn 20 ngân hàng đã liên tục nâng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn trong gần 3 tháng trở lại đây, giúp các ngân hàng thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân. Các chuyên gia lo ngại trong xu hướng lãi suất huy động tăng như hiện nay, lãi suất cho vay thấp sẽ khó duy trì được trong thời gian tới.
Lãi suất cho vay của khối ngân hàng quốc doanh đang giao động từ 5,5-6,5%/năm, tại khối ngân hàng thương mại từ 5,9 - 8,5%/năm, và khối ngân hàng có vốn nước ngoài là khoảng 6,5 - 8%/năm. Mức lãi suất trên được nhiều doanh nghiệp kì vọng sẽ hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp phục hồi.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ: "Với lãi suất hiện nay ở Việt Nam đã được chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra các gói chính sách lãi suất để cho hai mục tiêu tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Là một doanh nghiệp sản xuất chúng tôi thấy việc hạ lãi suất như hiện nay là một trong những điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phục hồi".
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của khối doanh nghiệp lớn, có lịch sử tín dụng tốt. Trong khi, với các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, tiếp cận vốn rẻ vẫn là câu chuyện khá “xa vời”.
Chị Bùi Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc CTCP Tập đoàn Vũ Hán cho biết: "Vốn vay giá rẻ thì gần như không thể tiếp cận được, rất khó tiếp cận nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp như chúng tôi thật sự gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ những doanh nghiệp như chúng tôi có cái đóng góp để hỗ trợ giúp đỡ cho các bà con vùng cao, vùng sâu vùng xa đi lại thuận lợi hơn trước thì có chính sách hỗ trợ chúng tôi".
Hiện nay, các ngân hàng đã bước vào tháng thứ 3 của đà tăng lãi suất huy động. Từ cuối năm 2022, các ngân hàng huy động kỳ hạn từ 12 tháng ở mức lãi suất gần 10%/năm, thì đến cuối năm 2023 đã giảm về mức 5%, thậm chí có ngân hàng chỉ huy động ở mức 4,8%/năm.
Trên thực tế, đến khoảng tháng 11/2023, lãi suất cho vay mới chính thức có đà giảm về mức 6,7%/năm, giảm trên 2% so với thời điểm cuối năm 2022. Với độ trễ của thị trường, các chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng phải tăng lãi suất để duy trì lợi nhuận là điều có thể xảy ra.
Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Thương mại cho biết thêm: "Về mặt kĩ thuật thì khi lãi suất huy động tăng và nếu như các ngân hàng không tiết giảm được các chi phí và vẫn muốn giữ hệ số lợi nhuận thì có lẽ lãi suất cho vay cũng tăng theo mặc dù vậy chúng ta cũng biết thị trường tín dụng hiện nay là một thị trường cạnh tranh, các ngân hàng cũng luôn luôn cạnh tranh để cung cấp dịch vụ tín dụng tốt nhất, đến lượt mình thì các doanh nghiệp khi cần vốn, chi phí lãi vay cũng chỉ là một trong các yếu tố''.
Ông cũng nói thêm: "Tất nhiên chúng ta cũng phải hết sức cẩn trọng trong cuộc đua tăng lãi suất này vì nếu không cẩn thận sẽ tạo ra một vòng xoáy tăng lãi suất huy động dẫn đến tăng lãi suất cho vay và chi phí kinh doanh không được cắt giảm sẽ tạo áp lực lên nền kinh tế".
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định, mức tăng của lãi suất cho vay sẽ còn phụ thuộc vào các hoạt động kinh tế. Trường hợp các doanh nghiệp vay nhiều thì lãi suất sẽ tăng mạnh hơn, nhưng nếu "sức khỏe" doanh nghiệp không được cải thiện, mức tăng lãi suất sẽ không quá lớn.