Tăng lợi thế cạnh tranh cho cà phê Việt
Hội thảo Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vừa được tổ chức tại Lễ hội Tôn vinh cà phê - trà Việt lần thứ 3, diễn ra tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh). Mục tiêu nhằm bàn các giải pháp từ tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững và đạt mục tiêu tăng trưởng cao về xuất khẩu.

Khách tham quan hoạt động canh tác cà phê bền vững cũng như quy trình từ hạt cà phê trở thành những sản phẩm có giá trị cao nhờ công nghệ kính thực tế ảo VR 360 tại Diễn đàn và triển lãm về kinh tế xanh (GEFE) 2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: B.Nguyên
Trong năm 2025, ngành cà phê Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu vượt mốc 6 tỷ USD. Đặc biệt, phải thu hút đầu tư chế biến sâu, tăng giá trị, tăng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này.
Nhiều tín hiệu lạc quan cho ngành cà phê
Từ đầu năm 2024 đến nay, mặt hàng cà phê liên tục lập kỷ lục mới về giá. Theo đó, cây cà phê lại vươn lên thuộc tốp đầu cây trồng cho thu nhập tốt. Đây cũng là cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới và đang dẫn đầu về lượng cà phê robusta xuất khẩu.
Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho biết, Việt Nam đang hội nhập rất tốt trong những năm gần đây đối với ngành cà phê, với những số liệu lạc quan và kết quả tích cực. Có nhiều yếu tố góp phần vào thành công này. Về mặt quốc tế, giá cà phê thế giới tăng do lo ngại thiếu hụt nguồn cung, bất ổn địa chính trị, biến động tỷ giá hối đoái và lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ...
Về yếu tố nội tại, tỷ lệ cà phê chế biến, đặc biệt là cà phê hòa tan ngày càng tăng, góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu. Đáng chú ý, Việt Nam đã bắt đầu sản xuất cà phê đặc sản với giá bán cao gấp rưỡi, gấp đôi so với mặt bằng thế giới. Đặc biệt, nội lực của ngành cà phê đang ngày càng được củng cố khi nông dân và DN có cách ứng xử chuyên nghiệp hơn với thị trường. Những năm trước, thị trường thường bị mất kiểm soát, giá cả biến động mạnh và phổ biến các hợp đồng giao dịch rủi ro cao. Tuy nhiên, tình trạng này hiện nay đã được khắc phục đáng kể.
Cùng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (thương hiệu Meet More, Thành phố Hồ Chí Minh) Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, cà phê Việt ở nước ngoài được đón nhận rất nồng nhiệt. Thời gian qua, Meet More đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường như: Hàn Quốc, Nga, Úc, và gần đây là Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng khả quan. Việc nghiên cứu kỹ các quy định nhập khẩu và thị hiếu tiêu dùng tại từng quốc gia giúp DN không chỉ duy trì chất lượng sản phẩm, mà còn xây dựng được chiến lược tiếp cận thị trường một cách bài bản và chủ động.
Theo Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và môi trường tại phía Nam Vũ Văn Thủy, để cà phê trở thành trụ cột trong chính sách xuất khẩu nông sản quốc gia, bộ cùng với các cơ quan trung ương và địa phương luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của ngành. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và môi trường sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia gắn với bản sắc văn hóa tiêu dùng đặc trưng của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Cần khắc phục những điểm yếu
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, DN trong ngành cà phê cảnh báo, hiện nay, sự hiện diện của cà phê Việt Nam tại các hội chợ quốc tế vẫn còn rời rạc, quy mô nhỏ và thiếu tính lan tỏa, trái ngược với hình ảnh chuyên nghiệp, bài bản của các quốc gia như Brasil hay Colombia - nơi ngành cà phê đã được định vị rõ ràng và được quảng bá mạnh mẽ trên toàn cầu.
Đáng lo ngại hơn, vị thế số 1 thế giới về sản xuất cà phê robusta của Việt Nam đang bị đe dọa. Chỉ trong 2-3 năm tới, Brasil có thể vượt lên dẫn đầu nhờ vào tiến bộ kỹ thuật và chính sách phát triển bền vững. Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân liên tục chuyển đổi cây trồng theo hướng chạy theo lợi nhuận ngắn hạn như: sầu riêng, bơ, tiêu..., dẫn đến sản lượng cà phê biến động thất thường: lúc tăng đột biến, lúc lại sụt giảm mạnh. Ngoài ra, đầu tư công nghệ và khoa học kỹ thuật trong sản xuất cà phê của Việt Nam thua nhiều nước trên thế giới cũng là điểm yếu cần khắc phục.
Nhận xét về thị trường xuất khẩu, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và Liên minh châu Âu (EU) Trần Ngọc Quân nhận xét, mặc dù cà phê Việt Nam đã được xuất khẩu vào thị trường Bỉ và EU nhiều năm qua nhưng phần lớn vẫn là cà phê thô, chưa qua chế biến sâu. Sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng tại các thị trường này còn rất hạn chế, dẫn đến việc thương hiệu cà phê Việt Nam vẫn chưa được nhận diện rộng rãi. Hiện nay, dù sản lượng xuất khẩu lớn nhưng hoạt động quảng bá thương hiệu còn mờ nhạt. Rất ít người dân và khách hàng tại EU biết đến cà phê Việt Nam như một sản phẩm có bản sắc và chất lượng riêng.
Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (tỉnh Đắk Lắk) Nguyễn Tiến Dũng cho hay, các yêu cầu mới từ thị trường EU đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn tín chỉ carbon. Do đó, nông dân cần được tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững. Điều này không chỉ phục vụ cho xuất khẩu thô, mà còn hướng đến mục tiêu sản xuất cà phê đặc sản.
Đây là hướng đi nhiều tập đoàn, DN trong ngành cà phê Đồng Nai hướng tới. Tiêu biểu như Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (thành phố Biên Hòa) triển khai chương trình NESCAFÉ Plan, sáng kiến góp phần thúc đẩy hệ thống thực phẩm tái sinh, tăng sinh kế cho người nông dân, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần tái tạo tương lai xanh. Qua gần 14 năm triểu khai, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ thúc đẩy hợp tác đa bên và luôn coi người nông dân là trung tâm. Với nỗ lực hướng dẫn các nông hộ chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp tái sinh, chương trình không chỉ giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng nông dân trồng cà phê, mà còn giúp tạo ra các tác động tích cực đối với môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học.