Tăng lợi thế cạnh tranh cho du lịch Sơn La
Nằm giữa đại ngàn Tây Bắc, bên dòng sông Đà, sông Mã thơ mộng, Sơn La không chỉ có tài nguyên thiên nhiên, địa chất, địa mạo phong phú mà còn là vùng đất đa dạng văn hóa với nhiều sắc tộc làm nên bản sắc riêng. Đó chính là lợi thế cạnh tranh để du lịch Sơn La bứt lên trong thời gian tới.
Cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La hướng dẫn bà con làm du lịch cộng đồng tại bản Mòng (xã Hua La, thành phố Sơn La).
Tài nguyên du lịch hấp dẫn
Nhắc đến Sơn La, nhiều người nhớ ngay đến cao nguyên Mộc Châu với khí hậu trong lành, mát mẻ hay các thắng cảnh nổi tiếng như: Khu du lịch sinh thái Rừng thông Bản Áng, Đồi thông Pu Nhi, Thiên đường mây Tà Xùa... Ngoài ra, Sơn La còn có những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống hang động được hình thành từ xa xưa tạo nên nguồn tài nguyên du lịch phong phú, khác biệt. Không những thế, Sơn La còn được mệnh danh là “vùng đất của các loài hoa”. Mỗi độ xuân về, khắp các cánh rừng, hoa ban, hoa mận, hoa đào, hoa mơ... đua nhau khoe sắc trên các sườn non, dưới thung lũng, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, đa sắc màu.
Mảnh đất này cũng là nơi sinh sống của 12 dân tộc anh em, từ đó tạo nên nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, mang những nét văn hóa bản địa đặc trưng. Đó là lễ hội Hết Chá của người Thái ở Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu), lễ cúng dòng họ của người Mông, nghi lễ cấp sắc của người Dao, lễ hội Gội đầu của người Thái trắng (huyện Quỳnh Nhai), lễ hội Pang A của người La Ha... đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, Sơn La còn bảo tồn được nhiều làn điệu dân ca, dân vũ tiêu biểu của các dân tộc như khắp Thái, múa chuông (dân tộc Dao), múa khèn (dân tộc Mông) hay múa xòe (người Thái)... Bên cạnh đó, Sơn La còn là “cái nôi” của ẩm thực Tây Bắc với nhiều món ăn dân tộc phong phú, hấp dẫn cùng nhiều sản vật độc đáo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Phạm Văn Thủy cho biết: Trong những năm qua, ngành Du lịch Sơn La đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy giao lưu văn hóa mở ra nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, phát triển. Lượng khách du lịch không ngừng tăng qua từng năm. Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng. Sản phẩm du lịch đa dạng với chất lượng ngày càng được nâng cao... Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sơn La sẽ tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với khai thác, phát triển các tour, tuyến, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới.
Sức hấp dẫn từ văn hóa bản địa
Trên thực tế, du lịch Sơn La phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản: Tiềm năng về thiên nhiên và văn hóa bản địa, văn hóa ẩm thực chính là những lợi thế cạnh tranh nổi bật của Sơn La so với các địa phương khác, nhưng Sơn La vẫn chưa biết cách khai thác. Còn Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Sơn La hội tụ những điều kiện tốt nhất để trở thành địa phương phát triển du lịch của vùng Tây Bắc, đặc biệt là thế mạnh về nông nghiệp, cây ăn quả, có thể trở thành “vựa trái cây” của miền Bắc. Bên cạnh đó, ẩm thực và hệ thống nhà hàng cũng là lợi thế cạnh tranh để phát triển du lịch Sơn La trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Sơn La cần thay đổi tư duy làm du lịch để tìm ra lối đi mới. “Sơn La cần chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đào tạo lại kỹ năng phục vụ khách cho đội ngũ nhân viên trong các khách sạn, kể cả khách sạn 4 - 5 sao để nâng cao chất lượng phục vụ khách từ trong “ruột” chứ không chỉ bên ngoài “vỏ”. Bên cạnh đó, Sơn La cần chú trọng đến “vựa khách” Hà Nội bởi nơi đây có số lượng lớn người đi du lịch, chi tiêu cao”, ông Thản nói.
Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng đắn của Sơn La trong nhiều năm qua. Đến nay, tỉnh đã có 8 bản du lịch cộng đồng cùng 28 homestay tại thành phố Sơn La và các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mường La, Quỳnh Nhai, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 300 lao động, trong đó phần lớn là người ở vùng dân tộc thiểu số. Để mô hình du lịch cộng đồng ngày càng phát triển mang thương hiệu của Sơn La, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng: Tỉnh cần chú trọng đẩy mạnh phát triển văn hóa bản địa gắn với các sản phẩm du lịch để gia tăng trải nghiệm, tăng sức hấp dẫn, qua đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách. “Chỉ cần du khách nghỉ lại 1 đêm là địa phương và người dân có thêm thu nhập. Muốn vậy, cần phải có sự tham gia của các doanh nghiệp song song với sự đồng hành của người dân và vai trò kết nối của chính quyền địa phương”, ông Bình chia sẻ.