Tăng lương hưu và nỗi niềm người hưu trí

Từ ngày 1/7, một niềm vui lớn đã tới với tất cả những người hưởng lương trong cả nước. Người đang đi làm thì được tăng lương 30%, người về hưu thì được tăng 15%.

Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và các đối tượng hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. Đồng thời, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị xã hội.

Giải thích về việc tăng lương cơ sở 30% mà chỉ tăng lương hưu 15%, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho biết, từ ngày 1/7/2024, Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu. Trước đó, chúng ta đã có mấy lần điều chỉnh lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương dự tính nếu tăng lương hưu 11,5% trong đợt này thì sẽ ngang bằng với mức tăng 30% của cán bộ, công chức, nhưng do các cụ hưu trí còn nhiều khó khăn, dự kiến lương lên - giá lên. Vì vậy, Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương đã cân nhắc, xác định chuyển từ 11,5% lên 15%.

Như vậy, tuy điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu, song thực tế nếu cộng lại các chỉ số giá CPI qua các năm, thì tương đương với mức tăng trên 30% so với cán bộ, công chức. Đối với cán bộ, công chức do nhiều lần chưa thực hiện tăng lương được, nên lần này tăng đồng bộ 30%.

"Đây là quan điểm hết sức nhân văn, ưu tiên cho các cụ về hưu", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong nhấn mạnh.

Nhưng, cũng vì sự chênh lệch giữa con số 30% và 15% ấy, trong niềm vui chung, cũng xuất hiện những băn khoăn, những nỗi niềm, những ưu tư so sánh từ phía những người hưu trí, mặc dù ai cũng hiểu những năm vừa qua, lương hưu đã tăng rồi và nếu cộng dồn lại thì đã quá 30%.

Người già, người hưu trí thực chất đều là những người đã từng đóng góp rất nhiều cho xã hội, và nay, đại đa số trong họ vẫn là chỗ dựa, là điểm tựa cho con cháu, cho thế hệ trẻ, mặc dù không còn trực tiếp làm ra của cải vật chất nữa.

Có những đóng góp bằng tinh thần, bằng trí tuệ, bằng kinh nghiệm sau cả một đời công tác, lao động và cống hiến lúc còn trẻ khỏe, nay lại nhận mức lương hưu chỉ được tăng 15% so với con cháu đang đi làm là 30%, không ít người hưu trí có những suy nghĩ đầy băn khoăn, trăn trở và chạnh lòng.

Nhà giáo hưu trí Sơn Lâm viết trên trang faceboook cá nhân: "Tôi không thể nào vui được khi tăng lương hưu chỉ là 15% chứ không phải là 30%. Chỉ cần 16% so với 15% là một con số khác rồi. Người hưởng lương hưu có phải nhận tiền từ trên trời rơi xuống không? Mà đó là tiền tích lũy cả đời công tác, làm việc của người lao động đấy chứ?".

Bà Mai Anh, một nữ cán bộ hưu trí tại TP Hồ Chí Minh thì tâm sự: "Người về hưu là những người già yếu mang nhiều bệnh tật nhất, nên khoản chi phí thuốc men, bệnh viện là rất lớn. Ngoài khoản tiền lớn nhất phải bỏ ra cho việc khám, chữa những căn bệnh của tuổi già, chúng tôi còn phải lo chi tiêu bao việc khác trên đời, chi tiêu không hề kém những người đang đi làm".

Có nhiều ý kiến cho rằng, lương hưu thực chất là một khoản bảo hiểm theo nguyên tắc đóng thế nào thì hưởng như thế. Nếu tăng lương theo tỷ lệ người đang làm việc tăng 30%, người nghỉ hưu 15% có thể coi như một sự phân biệt. Và họ đã quên một điều là những gì họ đang có chính là công sức của những người hưởng lương hưu xây dựng nên và để lại cho hậu thế - những người đang còn đi làm.

Không chỉ bày tỏ nỗi băn khoăn, có ý kiến của các cụ hưu trí còn hiến kế, nêu ra những giải pháp rất cụ thể để việc tăng lương hưu thực sự hợp lý và công bằng. Các cụ, các bác hưu trí nêu ví dụ, nếu lương 15 triệu tăng 14%.

Giả sử người đang có mức lương hưu 15 triệu, nếu tăng 15% thì sẽ được phần tăng: 15.000.000 x 15% = 2.250.000 đ, mức tăng này gần bằng cả tháng lương hưu của người đang có mức lương

Mặt khác, giá cả tiêu dùng trong sinh hoạt hằng ngày dù lương cao hay lương thấp đều như nhau nên khi tính phần tăng lương hưu cũng nên chênh lệch vừa phải so với lương người đang đi làm. Nếu thực sự quan tâm đến cuộc sống người dân nên cân nhắc cách tính tăng lương hưu hợp lí hơn. Miễn sao mức tăng trung bình cộng vẫn là tăng 15% trong quỹ lương BHXH với hơn 3 triệu người đang hưởng lương hưu.

Vũ Hùng

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/tang-luong-huu-va-noi-niem-nguoi-huu-tri-i737439/