Tăng lương phải đồng hành với kiềm chế lạm phát, trượt giá

Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, cử tri mong muốn rằng đồng hành với việc cải cách tiền lương, phải thực hiện các giải pháp để làm sao kiềm chế lạm phát, giúp cho người lao động khi thực hiện cải cách tiền lương được nâng cao mức sống.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng, việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7/2024 là hợp lý. Đồng thời, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng cường sự kiểm soát, quản lý giá và kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng tăng lương nhưng đời sống của người dân lại không được tăng trong khi lạm phát lại tăng nhanh hơn.

Phát biểu thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhìn nhận, trong bối cảnh, tình hình nền kinh tế ở thế giới nói chung và ở trong nước nói riêng còn nhiều khó khăn thì việc tăng lương lần này đã thể hiện sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong cải cách tiền lương, chăm lo cho cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: Quốc hội.

Theo mức tăng lương mới, từ ngày 1/7/2024, lương ở khu vực công được tăng đến 30% và tăng đồng đều cho tất cả đối tượng. Đây là mức tăng khá cao so với những lần tăng lương gần đây. Riêng đối với người nghỉ hưu trước năm 1995, việc tăng lương hưu lên đến 38%. Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng.

Với việc tăng lương lần này, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm 2/2 nội dung, với khu vực công lập, thực hiện 4/6 nội dung. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với khu vực công nhưng hiện đang hưởng lương thấp và cũng là sự điều chỉnh tiền lương giữa khu vực công và khu vực tư để không còn có nhiều sự chênh lệch.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Đoàn tỉnh Nghệ An) cho rằng, thời điểm này, điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng là việc làm rất hợp lý, hợp tình trong bối cảnh hiện nay. Điều này cũng nhận được sự đồng tình rất lớn của dư luận.

Đại biểu bày tỏ thống nhất với đề xuất của Chính phủ, đồng thời đề nghị cần quan tâm thêm việc sắp xếp lại hệ thống thang bảng lương cũ và các phụ cấp kèm theo, từ đó tính tổng thu nhập của mỗi chức vụ trong hệ thống...

Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cơ bản đồng tình với nội dung trong báo cáo của Chính phủ. Đại biểu ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ, tạo được sự đồng thuận, phấn khởi trong nhân dân.

Đại biểu cho biết, bà nhận được nhiều thông tin từ cử tri và nhân dân cho thấy sự đồng thuận, phấn khởi khi cải cách tiền lương. “Việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên mức 2,34 triệu đồng là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương. Điều này, góp phần rất lớn trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, bà Ngọc nói.

Đại biểu tổ 14 thảo luận tại tổ. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu tổ 14 thảo luận tại tổ. Ảnh: Quốc hội

Nữ đại biểu đoàn Hòa Bình cũng cho biết, cử tri mong muốn đồng hành với việc cải cách tiền lương, chúng ta cũng thực hiện các giải pháp để làm sao kiềm chế lạm phát, giúp cho người lao động và đội ngũ cán bộ công chức khi thực hiện cải cách tiền lương được nâng cao mức sống.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn tỉnh Thanh Hóa) cũng cho rằng, việc thay đổi trước mắt là hợp lý, còn giai đoạn dài hơi hơn là phải tính toán phù hợp, có mức lương “yên tâm công tác” cho cán bộ, công chức; đồng thời với việc cải cách biên chế, vị trí việc làm…Đồng thời, tránh thực trạng cứ tăng lương thì lại trượt giá, lạm phát, mức lương này sẽ quay về mức “đủ để sống”...

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn tỉnh Bạc Liêu) cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, đã thể hiện khá rõ nét về quá trình triển khai, kết quả đạt được cũng như đề xuất việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và các nội dung kiến nghị. Đặc biệt là quan điểm chỉ đạo thực hiện, việc điều chỉnh phải đảm bảo tương quan, cân đối, cân bằng, bình đẳng, hài hòa giữa các đối tượng.

Về nguồn lực thực hiện tăng lương, đại biểu nhìn nhận, nguồn tăng thu và nguồn dư (tiết kiệm) của địa phương đã bố trí cải cách tiền lương từ những năm trước mức độ rất khác nhau. Có địa phương đảm bảo thực hiện, có những địa phương rất khó khăn, do đó, Chính phủ cần có giải pháp, cơ chế hỗ trợ cho đơn vị còn khó khăn này để đảm bảo thực hiện được đồng bộ.

Bên cạnh đó, đối với nguồn thu sự nghiệp, hiện nay mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực y tế giáo dục, ở các vùng miền cũng rất khác nhau; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng bị tác động và ảnh hưởng lớn đến nguồn thu của đơn vị sự nghiệp.

Để đáp ứng nguồn lực tăng chi theo chế độ tăng lương mới, cũng cần có cơ chế quy định hướng dẫn thu đúng, thu đủ các thuế, dịch vụ. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề này và có cơ chế hướng dẫn phù hợp giảm tác động xã hội, đồng thời đảm bảo nguồn lực để thực hiện.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cũng đề nghị Chính phủ cần phải tính toán, điều tiết lạm phát hợp lý. Thực tiễn tăng lương thời gian qua cho thấy, nếu không có giải pháp phù hợp, mỗi khi tăng lương vật giá leo thang, nên mặc dù tăng lương, nhưng đời sống không cải thiện được nhiều...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-luong-phai-dong-hanh-voi-kiem-che-lam-phat-truot-gia-172736.html