Tăng lương tối thiểu và bài toán bầu cử
Người lao động có mức lương thấp của Malaysia đã chứng kiến tiền lương của mình tăng mạnh từ 1.5.2022 sau khi Thủ tướng Ismail Sabri thông báo mức lương tối thiểu của quốc gia này sẽ tăng tới 36%. Trong khi lương tối thiểu được sửa đổi 2 năm một lần, mức tăng gần đây đánh dấu bước nhảy vọt lớn nhất kể từ lần đầu tiên được áp dụng vào năm 2013…
Lợi ích từ tăng lương tối thiểu khác nhau
Theo EAF, mức lương tối thiểu hàng tháng mới của Malaysia là 1.500 RM (1 RM vào khoảng 0,23 USD), thay thế mức lương sàn hai bậc trước đó là 1.200 RM cho các thành phố hoặc quận thành phố và 1.100 RM cho các quận nông thôn.
Dữ liệu chi tiết về thu nhập cho thấy người lao động có mức lương thấp ở một số bang nhất định sẽ có thêm thu nhập đáng kể từ việc tăng lương tối thiểu mới nhất, trong khi lao động ở những nơi khác chỉ thu được không đáng kể. Lợi ích có được từ tăng lương khá khác nhau ở quốc gia Đông Nam Á này.
Ở Malaysia, người lao động được chia thành ba loại kỹ năng. Lao động lành nghề là các nhà quản lý, chuyên gia, kỹ thuật viên và các chuyên viên kỹ thuật. Lao động bán kỹ năng là những người làm công việc hỗ trợ, văn thư, bán hàng, vận hành máy móc và lao động có kỹ năng trong lĩnh vực nông nghiệp. Những người lao động có kỹ năng thấp là những người dọn dẹp, giúp việc và lao động không cần nhiều trình độ khác.
Dựa trên Báo cáo về tiền lương năm 2020 của Cục Thống kê, thu nhập trung bình của lao động tay nghề cao, bán kỹ năng và tay nghề thấp ở Malaysia lần lượt là 4.011 RM, 1.593 RM và 1.274 RM vào năm 2020. Mức lương tối thiểu 1.500 RM cung cấp mức tăng lương lớn nhất cho nhóm lao động có kỹ năng thấp dựa trên thu nhập trung bình của quốc gia, chiếm 8% (khoảng 750.000 người) trong số 9,4 triệu lao động của Malaysia làm việc được trả lương.
Nhưng mức lương này lại có tác động khác nhau đến người lao động có kỹ năng thấp giữa các tiểu bang. Mức lương trung bình của nhóm này ở Johor, Selangor, Melaka và Kuala Lumpur gần bằng hoặc đã vượt quá 1.500 RM. 4 bang trên chiếm khoảng 1/3 tổng số lao động có kỹ năng thấp, nên một ước tính cho thấy chỉ có 2/3 trong số 750.000 lao động kỹ năng thấp của quốc gia được hưởng lợi từ việc tăng lương.
Hai bang Sabah và Sarawak được lợi nhiều nhất từ việc tăng lương tối thiểu. Tương tự, các bang ở Bán đảo Malaysia, chẳng hạn như Kelantan và Terengganu ở bờ biển phía Đông, Perak, Kedah và Pahang cũng sẽ tăng do mức lương trung bình của những bang này cho người lao động tay nghề thấp ít hơn mức lương tối thiểu mới.
Mặc dù mức lương trung bình quốc gia 1.593 RM cho lao động bán kỹ năng chỉ cao hơn một chút so với mức lương 1.500 RM đã sửa đổi, những người hưởng lợi lớn nhất từ việc tăng lương là lao động bán kỹ năng vì nhóm này chiếm thành phần lớn nhất (55%) trong lực lượng lao động làm công ăn lương của Malaysia vào khoảng 5,2 triệu người.
Tuy nhiên, một lần nữa, Selangor và Johor - những bang có tỷ lệ lao động bán kỹ năng lớn nhất - lại được hưởng lợi ít ỏi từ việc tăng lương tối thiểu vì thu nhập trung bình của họ đã vượt quá 1.500 RM. Tương tự, 6 bang khác ở Bán đảo Malaysia sẽ thu được không nhiều lợi ích từ việc tăng lương vì thu nhập trung bình của họ đối với lao động bán kỹ năng ngang bằng hoặc vượt quá mức lương đã sửa đổi. Ở quốc gia này, chỉ có 4 bang phía Bắc “vành đai Mã Lai” là Kelantan, Terengganu, Kedah và Perlis sẽ thu được lợi ích đáng kể, cùng với lao động bán lành nghề ở Đông Malaysia. Trong 6 bang trên, mức lương trung bình cho lao động bán kỹ năng là từ 1.237 RM đến 1.380 RM…
Củng cố sự hỗ trợ chính trị
Thủ tướng Ismail Sabri của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO) rất kiên quyết thúc đẩy tăng lương tối thiểu. Thực tế, chi tiết về việc tăng lương lên mức 1.500 RM lần đầu tiên được công bố vài tháng trước tại cuộc họp Đại hội đồng UMNO. Động thái tăng lương diễn ra vào thời điểm mà một cuộc tổng tuyển cử sớm được dự đoán rộng rãi sẽ diễn ra trong vài tháng tới ở Malaysia. Dựa trên các mô hình bỏ phiếu lịch sử, sự ủng hộ của cử tri cho UMNO ở những người Bumiputra thu nhập thấp cao hơn những người Bumiputra có thu nhập trung bình và cao hơn. Bumiputra là thuật ngữ được sử dụng ở Malaysia để mô tả người Mã Lai, người Orang Asli của bán đảo Malaysia và các dân tộc bản địa khác nhau ở Đông Malaysia.
Như đã đề cập, người lao động có mức lương thấp ở các bang thuộc “vành đai Mã Lai” và Đông Malaysia có thể thu được nhiều lợi nhất từ việc tăng lương tối thiểu. 6 bang này có tỷ lệ cử tri cao nhất trên toàn Malaysia. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, ngoài Kelantan, 5 bang còn lại do UMNO/Barisan Nasional (BN) cầm quyền cho đến năm 2018. BN hay Mặt trận quốc gia là liên minh chính trị lớn ở Malaysia được thành lập vào năm 1973, trong đó UNMO chiếm vị trí thống trị trong liên minh này.
Năm 2018, UMNO/BN mất Terengganu, Kedah và Sabah vào tay phe đối lập trong khi chính quyền bang Sarawak rời khỏi liên minh BN ngay sau cuộc tổng tuyển cử. Do đó, một số nhà phân tích nhận định, việc tăng lương tối thiểu, với phần lớn tác động tích cực của nó nghiêng về các khu vực trên, có thể khiến con lắc chính trị ở các bang này quay trở lại với UMNO/BN. Tầm quan trọng khác không kém là ở cấp quốc gia, vấn đề tăng lương tối thiểu được UMNO/BN coi là nỗ lực thực sự nhằm nâng cao tinh thần cho những người Bumiputra và những người làm công ăn lương thấp trên khắp Malaysia.
Động thái trên đặt nền tảng cho BN khẳng định công lao của mình trong việc thực hiện mục tiêu do đảng đối lập Pakatan Harapan (PH) đề xuất đầu tiên trong tuyên ngôn bầu cử năm 2018 của họ. Mặc dù hứa hẹn đưa mức lương tối thiểu lên 1.500 PM, nhưng trong những tháng sau khi nắm quyền, Chính phủ của PH chỉ tăng lương tối thiểu thêm 50 RM. Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohamad giải thích, mức tăng lớn hơn sẽ làm tăng mức nợ của Malaysia, trong khi giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nước này. Do đó, việc tăng lương tối thiểu mới nhất có thể củng cố sự hỗ trợ chính trị giữa những người ủng hộ cốt lõi của BN trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới, đồng thời thu hút sự ủng hộ của người dân Bumiputra và những người Malaysia thu nhập thấp, vốn trước đây ủng hộ phe đối lập.