Tăng lương tối thiểu vùng mới đủ sống
Tại phiên họp Hội đồng Tiền lương Quốc gia mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tới.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia khẳng định, việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp nhiều cho việc phục hồi kinh tế.
Càng khó khăn, càng phải tăng lương cho người lao động
Vì sao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 tới, khi các doanh nghiệp chỉ vừa mới bước qua đại dịch được ít lâu, hiện còn rất nhiều khó khăn?
Lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động trong điều kiện họ làm công việc đơn giản nhất, đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đó là sàn thấp nhất để bảo vệ những lao động yếu thế, cũng là căn cứ để thương lượng tiền lương thực tế và là công cụ điều tiết thị trường lao động.
Ở Việt Nam, khi việc thương lượng chưa phát triển thì lương tối thiểu còn có ý nghĩa dẫn dắt tiền lương thực tế.
Khi Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu, doanh nghiệp cũng điều chỉnh tương ứng. Việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng hiện tại có ý nghĩa điều chỉnh đời sống, cân đối cung cầu lao động.
Do đại dịch Covid-19 gây khó khăn cho doanh nghiệp nên 2 năm nay, chúng ta chưa có sự điều chỉnh tiền lương. Hiện các điều kiện, yếu tố đã chín muồi cho việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu.
Cụ thể, những điều kiện và yếu tố đó là gì, thưa ông?
Có 7 yếu tố được xem xét làm căn cứ điều chỉnh mức lương tối thiểu, trong đó một số yếu tố đã thay đổi như chỉ số giá tiêu dùng (CPI), điều kiện kinh tế - xã hội, năng suất lao động, mối quan hệ giữa cung – cầu lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp…
Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, từ Nghị quyết 68, Nghị quyết 116… Ngày 28/3, Chính phủ đã ban hành Quyết định 08 hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, nhưng bản chất chính là hỗ trợ doanh nghiệp để thu hút lao động. Bởi thế, doanh nghiệp cũng phải chia sẻ với Chính phủ và người lao động, thúc đẩy chính sách tiền lương thỏa đáng.
Theo tính toán của chúng tôi, trong tháng 1/2022, chỉ số CPI tăng khoảng 2%.
Lạm phát tăng, nhưng tiền lương giảm. Điều đó khiến đời sống người lao động khốn khó. Họ nghỉ việc là hết lương, sống trong điều kiện tồi tệ, thu nhập thấp.
Về điều kiện kinh tế - xã hội, dù Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch nhưng vẫn là một trong những điểm sáng trên thế giới.
Năm 2022, các doanh nghiệp của Việt Nam dự báo sẽ bứt phá mạnh mẽ.
Trong quý I/2022, kinh tế của chúng ta tăng trưởng trên 5%, cho thấy “sức khỏe” của doanh nghiệp khá tốt.
Yếu tố cung cầu lao động hiện nay cũng có thay đổi lớn. Tình trạng thiếu hụt lao động xảy ra nên các doanh nghiệp có chính sách tiền lương thấp không thu hút được lao động. Kinh nghiệm của các nước là càng khó khăn, càng phải tăng lương cho người lao động, để kéo được nhân lực trở lại làm việc.
Đời sống người lao động khốn khổ
Nhưng nếu doanh nghiệp thật sự không đủ khả năng chi trả thì sao, thưa ông?
Trong bối cảnh khó khăn 2 năm qua, người lao động đã chấp nhận chịu đựng không được tăng lương. Đầu năm 2022 tới nay, nhiều cuộc đình công xảy ra liên quan tới yêu cầu tăng lương.
Rõ ràng, việc duy trì không điều chỉnh tiền lương gây bất lợi cho chính doanh nghiệp và quan hệ lao động. Xuất phát từ đó, Tổng Liên đoàn đề xuất sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Thông thường, việc điều chỉnh sẽ từ 1/1. Nhưng trong lịch sử 16 cuộc điều chỉnh tiền lương, có 3 cuộc điều chỉnh vào tháng 10. Lần này, chúng tôi đề xuất sớm, từ 1/7.
Ông vừa nhắc đến việc tăng lương tối thiểu chậm có thể tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp, ông có thể nói cụ thể hơn?
Mức lương tối thiểu hiện nay không phù hợp để điều tiết thị trường lao động. Doanh nghiệp sẽ khó tìm được nhân lực.
Chúng ta phải quan niệm, đầu tư cho nhân lực là đầu tư cho phát triển. Càng khó khăn, càng phải đầu tư cho người lao động mới vực dậy được doanh nghiệp.
Người lao động có mức lương thỏa đáng sẽ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, cũng như làm việc với trách nhiệm, thiện chí, năng suất chất lượng cao hơn, tác động trở lại doanh nghiệp.
Hai năm qua, lương tối thiểu vùng chưa tăng đã tác động ra sao tới người lao động, thưa ông?
Có lẽ tôi dùng từ khốn khổ. Thu nhập giảm, không có tích trữ, họ chỉ vừa đủ sống, thậm chí phải làm thêm giờ mới đủ tiền trang trải. Nhiều người đã bỏ về quê và giờ muốn quay lại cũng không có tiền trở lại.
Chúng tôi hy vọng các thành viên trong Hội đồng Tiền lương Quốc gia thấy được sự cần thiết, cấp bách của việc sớm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.
Doanh nghiệp nào cắt giảm lao động sẽ khó tồn tại
Trong thời buổi “bão giá”, theo ông, nếu tăng lương thì tăng mức bao nhiêu mới đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động?
Chúng tôi đang để các bên xem xét về mức tăng phù hợp.
Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ là yếu tố rất quan trọng. Nghị quyết 27 năm 2018 nói rõ, cơ quan thống kê của Nhà nước sẽ công bố mức sống tối thiểu để làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương thương lượng, thỏa thuận và đề xuất với Chính phủ.
Lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp thỏa thuận, trả lương cho người lao động. Mức này áp dụng với người làm việc theo chế độ hợp đồng của Bộ luật Lao động; làm việc trong doanh nghiệp; hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê lao động.
Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng như sau: Vùng 1 là 4.420.000 đồng/tháng; vùng 2 là 3.920.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.430.000 đồng/tháng; vùng 4 là 3.070.000 đồng/tháng.
Nhưng từ đó tới nay, cơ quan thống kê của Nhà nước vẫn chưa công bố được mức sống tối thiểu. Toàn bộ vẫn do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia tính toán. Tổng Liên đoàn đã nhiều lần đề nghị cơ quan thống kê của Nhà nước sớm ban hành, nhưng vẫn chưa nhận được kết quả.
Hiện nay, có hai băn khoăn lớn nhất. Thứ nhất, theo quy định hiện hành, tỷ lệ lương thực, thực phẩm và phi lương thực là 48/52. Chúng tôi đánh giá tỷ lệ này chỉ dành cho những quốc gia thực sự khó khăn, chưa phát triển. Việt Nam đã duy trì tỷ lệ này từ thời còn khó khăn.
Bây giờ đời sống cao, nhu cầu lương thực thực phẩm giảm, nhu cầu phi lương thực tăng cao nên tỷ lệ này không phù hợp. Nước có điều kiện kinh tế kém ta như Philippines chỉ có tỷ lệ là 47/53.
Thứ hai, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu thế nào cũng là bài toán khó. Về nguyên tắc, ít nhất phải bù đắp được chỉ số trượt giá trong 2 năm qua. Phải tính tới yếu tố phát triển xã hội, năng suất lao động… Năm 2019 có mức tăng là 5,5%. Bây giờ, nếu tính cho 2 năm là khó cho khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Cần phải tính toán thế nào cho hài hòa, vừa giải quyết quyền lợi cho người lao động, giúp doanh nghiệp có động lực tăng trưởng nhưng cũng phải phù hợp khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Do đó, chúng tôi muốn đề xuất tăng ngay từ 1/7. Càng kéo dài, khi tính toán tiền lương cũng phải tính toán cả quãng thời gian đó sẽ rất sốc cho doanh nghiệp. Đối với việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội, không nên có những chính sách tạo ra cú sốc.
Có ý kiến cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng có thể khiến doanh nghiệp đang khó khăn phải cắt giảm lao động, làm tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Quan điểm của ông như thế nào?
Hiện nay, doanh nghiệp nào cắt giảm lao động, có lẽ sẽ khó tồn tại. Tôi nghĩ, đơn vị nào khó khăn quá, không thể duy trì được chính sách tiền lương, có thể rời khỏi thị trường để doanh nghiệp khác phát triển.
Vừa qua, tôi có chuyến đi công tác Đồng Nai, có doanh nghiệp ở khu vực III nhưng phải áp dụng mức lương tối thiểu ở vùng I mới thu hút được lao động. Có doanh nghiệp áp dụng mức lương tối thiểu ở vùng III, có công suất 4.000 lao động nhưng chỉ có 800 lao động, không tuyển được người. Đó là bài học thực tiễn.
Dĩ nhiên, tăng lương cũng gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng họ phải tìm cách cải tiến kỹ thuật, thiết bị, quản trị doanh nghiệp, cắt giảm các chi phí khác.
Theo ông, làm thế nào để mức tăng có lợi cho hai bên, để doanh nghiệp dù phải tăng chi phí vẫn giữ được nhân lực, còn người lao động có thêm tiền trang trải sinh hoạt?
Quan điểm rõ ràng của chúng ta là hài hòa hai bên, tiền lương là giá cả sức lao động và đảm bảo người lao động có thể sống bằng tiền lương. Không thể có tình trạng doanh nghiệp có lợi nhuận cao, còn người lao động phải làm thêm giờ mới đủ sống.
Có thể có thời điểm cung cầu lao động chênh lệch, ta mới thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp có thể giải quyết việc làm. Nhưng hiện nay, cán cân cung cầu lao động đã khác.
Cảm ơn ông!
Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó Giám Đốc Văn phòng giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI:
Sẽ có phương án hài hòa nhất
Tại phiên họp đầu tiên năm nay về lương tối thiểu vùng của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra chiều 28/3, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 cho người lao động tại doanh nghiệp. Phiên đầu tiên này, Bộ LĐ, TB&XH mới đưa ra đề xuất dự kiến thay đổi tiền lương tối thiểu, chưa có phương án cụ thể.
Năm nay hơi đặc thù vì chúng ta vừa trải qua hai năm bị tác động nặng nề của Covid-19 nên các thành viên trong Hội đồng cũng muốn cân nhắc kỹ, đưa ra phương án cẩn thận để trình lên Chính phủ.
Phương án cụ thể sẽ phải đợi Bộ LĐ, TB&XH đưa ra chi tiết để thảo luận trong cuộc họp tới, trên cơ sở khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp cũng như của người lao động. Các thành viên trong Hội đồng sẽ bàn sâu hơn để có phương án hài hòa nhất.
Lưu Thủy (Ghi)
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tang-luong-toi-thieu-vung-moi-du-song-d547657.html