Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7: Góp phần nâng cao năng suất lao động

Sau khi tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có tờ trình dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động gửi Chính phủ. Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu tăng bình quân 6% so với mức hiện hành để áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Theo các chuyên gia và nhà quản lý, việc tăng lương tối thiểu vùng cả người lao động và doanh nghiệp đều được lợi. Không những vậy, việc tăng lương tối thiểu sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng suất lao động.

Cải thiện cuộc sống người lao động

So với mức quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng mới sẽ tăng 6%, cụ thể, mức lương tối thiểu theo tháng tại vùng I là 4.960.000 đồng/tháng, vùng II là 4.410.000 đồng/tháng, vùng III là 3.860.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.450.000 đồng/tháng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu theo giờ là vùng I 23.800 đồng/giờ, vùng II là 21.200 đồng/giờ, vùng III là 18.600 đồng/giờ, vùng IV là 16.600 đồng/giờ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, mức điều chỉnh mới được tính toán dựa trên cơ sở các yếu tố thực tế theo quy định của Bộ luật Lao động, gồm: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; nhóm yếu tố về kinh tế, thị trường lao động (tăng trưởng kinh tế, năng suất lao động, giá cả tiêu dùng, tình hình lao động, việc làm); nhóm yếu tố về mức lương trên thị trường và khả năng của doanh nghiệp (tiền lương, thu nhập bình quân của người lao động, tình hình phát triển của doanh nghiệp và xu hướng kinh doanh, sản xuất, đơn đặt hàng).

Qua đánh giá của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức lương tối thiểu vùng dự kiến đã cao hơn so với mức sống tối thiểu của người lao động dự kiến đến hết năm 2024 và cơ bản bảo đảm mức sống tối thiểu của năm 2025. Cùng với đó, mức lương tối thiểu mới này cũng có sự cân đối tương quan với mức lương bình quân trên thị trường lao động và phù hợp với thông lệ quốc tế. 100% thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất và khuyến nghị với Chính phủ điều chỉnh theo mức này.

Tăng lương tối thiểu là cần thiết và tất yếu, góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động.

Tăng lương tối thiểu là cần thiết và tất yếu, góp phần cải thiện cuộc sống của người lao động.

Theo đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đối với các trường hợp doanh nghiệp đã trả lương bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu mới thì việc điều chỉnh thực hiện theo các cam kết, thỏa thuận của các bên ghi trong thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động, quy chế của doanh nghiệp.

“Thực tế hiện nay, phía doanh nghiệp đa phần đều đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu dự kiến. Điều này là dễ hiểu bởi trong bối cảnh thị trường lao động cạnh tranh như hiện nay, nếu doanh nghiệp chỉ trả lương bằng hoặc thấp hơn lương tối thiểu thì rất khó thu hút được lao động. Thực hiện mức lương tối thiểu mới, đối với doanh nghiệp chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc. Còn với các trường hợp lương thấp thì phải điều chỉnh cho phù hợp với quy định mới về lương tối thiểu. Tăng lương tối thiểu sẽ tạo điều kiện cho người lao động cải thiện cuộc sống, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Cùng với đó, tăng lương tối thiểu cũng sẽ hạn chế các tranh chấp lao động tập thể, đình công, góp phần tích cực cho việc duy trì ổn định trật tự xã hội”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho hay.

Không thể gắn bó nếu lương thấp

Đề cập đến việc tăng lương tối thiểu, TS Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho rằng, điều này là cần thiết và cũng là tất yếu. Theo TS Phạm Thu Lan, chế độ lương, thưởng, phúc lợi thỏa đáng là động lực quan trọng thúc đẩy nâng cao năng suất lao động.

“Người lao động đi làm đều quan tâm tới tiền lương, nhất là người có thu nhập thấp. Thực tế đã khẳng định mối quan hệ chặt chẽ và tỷ lệ thuận giữa tiền lương, thưởng và phúc lợi với động lực làm việc, sự hài lòng và toàn tâm trong công việc. Người lao động dù muốn gắn bó nhưng cũng không thể ở lại mãi với công ty khi lương thấp. Điều này giải thích tại sao tỷ lệ nhảy việc cao, 8-12%/tháng ở các ngành đông lao động”, TS Phạm Thu Lan nói.

Một doanh nghiệp có 1.000 công nhân nhưng 1 tháng 100 công nhân liên tục ra vào. Doanh nghiệp này sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc và nhân lực cho quảng cáo tuyển dụng, tổ chức phỏng vấn, làm thủ tục, hồ sơ, giấy tờ và đào tạo nhân viên… trong khi những chi phí này hoàn toàn có thể tiết kiệm để đầu tư cho tăng năng suất.

Theo TS Phạm Thu Lan, khi mà tiền lương thấp, người lao động đang còn phải vướng bận với việc lo bữa cơm hàng ngày cho gia đình thì có đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất lao động cũng khó. Để có kỹ năng vận hành, sử dụng công nghệ mới thì phải học, nhưng học thì cũng phải có động lực mới học được. Mối lo cơm áo gạo tiền luôn đeo đẳng thì rất khó để người lao động chú tâm, dành sức lực cho việc học tập. Đó là chưa kể, tiền lương thấp thì người lao động cũng sẽ không có nguồn lực để đầu tư cho học tập của bản thân và con cái.

“Thiếu học tập nâng cao trình độ, Việt Nam sẽ không thể nâng cấp chuỗi giá trị, theo kịp xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế toàn cầu. Do đó, chúng ta cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng. Mức lương tối thiểu là sàn an sinh xã hội và là quyền cơ bản của con người. Mức lương tối thiểu thỏa đáng không chỉ đảm bảo trang trải chi phí cơ bản cần thiết cho người lao động và gia đình như thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại, giáo dục, quan hệ xã hội, mà còn cần một khoản dự phòng cho sự việc bất khả kháng và tiết kiệm cho tương lai. Hội đồng Tiền lương Quốc gia cần xác lập mức lương tối thiểu thỏa đáng và tư vấn cho Chính phủ để tiền lương thực sự là động lực tăng năng suất”, TS Phạm Thu Lan kiến nghị.

Phan Hoạt

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/tang-luong-toi-thieu-vung-tu-1-7-gop-phan-nang-cao-nang-suat-lao-dong-i734769/