Tăng lương từ 1/7, lạm phát liệu có gia tăng?

Trong bối cảnh tăng lương 30% từ 1/7, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề kiểm soát lạm phát. Do đó, việc 'lương chưa tăng, giá đã tăng' sẽ khó lòng tái diễn.

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, Việt Nam sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1/7. Theo đó, mức lương cơ sở của công chức, viên chức tăng 30%, từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng.

Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến lo ngại, việc tăng lương có thể gây áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát, có thể làm giá cả tăng lên và tạo ra hiệu ứng “lương chưa tăng, giá đã tăng”.

Lạm phát đang ở mức nào?

Kể từ năm 2011 tới nay, tức là trải qua hơn 12 năm, Việt Nam kiểm soát rất tốt lạm phát và luôn nằm trong ngưỡng dưới 4,5%, đây cũng là mức tối đa được Quốc hội đề ra trong nhiều năm qua.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, năm 2022, lạm phát tăng 3,15% so với năm 2021. Bước sang năm 2023, lạm phát “nhỉnh” hơn đôi chút và chạm ngưỡng 3,25%.

Theo số liệu mới nhất của GSO, trong 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Như vậy, lạm phát ở thời điểm hiện tại vẫn ở ngưỡng “an toàn”. Dù vậy, một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với người dân đang có xu hướng tăng cao trong giai đoạn gần đây, tạo áp lực rất lớn tới công tác kiểm soát lạm phát.

Trong thông báo mới nhất vào đầu tháng 7/2024, Bộ Tài chính cho biết, trước khi quá trình tăng lương được diễn ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng”.

Cụ thể, Chính phủ yêu cầu đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.Chính phủ yêu cầu chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ Tết; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường. Đồng thời, Chính phủ đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá.

GSO cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá gạo trong nước đã tăng gần 21%, giá điện sinh hoạt tăng 9,45%, giá nước sinh hoạt tăng 10,15% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, học phí đã tăng 8,58%, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%.

Trong bối cảnh như trên, nhiều ý kiến lo ngại việc tăng lương sẽ gia tăng thêm áp lực cho lạm phát. Thực tế cũng đã cho thấy, trong những đợt tăng lương trước đây đã có hiện tượng một số ngành hàng, dịch vụ tư nhân lợi dụng tăng lương để tăng giá hàng hóa.

Ví dụ, năm 2008, Việt Nam điều chỉnh tăng lương cơ sở thêm 20%, lạm phát đã tăng phi mã từ 6,3% lên 23%. Tương tự, vào năm 2011, Việt Nam tiếp tục tăng lương cơ sở thêm 13,7%, lạm phát tăng mạnh từ 9,2% lên 18,6%.

Trong 2 năm 2008 và năm 2011, mặc dù “lỗi” không hoàn toàn nằm ở việc tăng lương, một phần nguyên nhân là do giá dầu thế giới, tỷ giá leo thang. Tuy nhiên, việc tăng lương là một trong những “chất xúc tác” khiến lạm phát trở nên trầm trọng. Vì vậy, việc cẩn trọng trong công tác điều hành, kiểm soát lạm phát cần phải được quan tâm đúng mực, tránh đi vào các vết “xe đổ” trước đó.

Hiệu ứng “lương chưa tăng, giá đã tăng” liệu có xuất hiện?

Trong bối cảnh tăng lương, nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề kiểm soát lạm phát. Do đó, việc “lương chưa tăng, giá đã tăng” sẽ khó lòng tái diễn.

TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, tăng lương 30% được áp dụng đối với lao động thuộc khu vực công, khu vực Nhà nước. Lực lượng lao động trong khu vực này chiếm chưa tới 8% so với tổng lao động của toàn nền kinh tế. Chưa kể, quỹ lương của khu vực nhà nước khá nhỏ so với quỹ lương của tổng nền kinh tế, hoặc khu vực kinh tế tư nhân.

“Vì vậy, việc tăng khoảng 30% lương từ 1/7 không ảnh hưởng quá nhiều tới chỉ số giá tiêu dùng” - ông Độ nói.

Ông Nguyễn Đức Độ dự báo, áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn. Ông Độ nhận định, nửa cuối năm 2024, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến. Vì vậy, lạm phát trung bình cả năm 2024 quanh mức 3,2 - 3,6%.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích: Tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%.

TS. Nguyễn Ngọc Tuyến - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, trước đây, thị trường có tâm lý lương tăng, giá hàng hóa lập tức tăng theo. Vì vậy, để ngăn việc giá hàng hóa tăng theo lương, ông Tuyến đề xuất cơ quan chức năng cần phối hợp nhiều giải pháp. Trong đó, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát giá nhằm tránh tăng giá bất hợp lý. Các Bộ ngành, địa phương trong lĩnh vực quản lý sản xuất dồi dào, lưu thông thuận lợi và cung ứng hàng hóa đầy đủ. Đối với mặt hàng Nhà nước quản lý như y tế, giáo dục, các địa phương cần có sự phối hợp, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ để góp phần ngăn tăng giá hàng hóa khi tăng lương.

Sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Theo bà Hương, việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả.

“Tuy nhiên, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên tăng lương ít xảy ra chuyện tăng giá mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát” - bà Hương nhận định.

Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, tình trạng “lương chưa tăng, giá đã tăng” là vấn đề đã xảy ra nhiều lần trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng hưởng lương.

“Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, bản thân thị trường và người dân đã có thích ứng để không bị tác động đến tâm lý khi thực hiện tăng lương” - ông Chi nói.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, đứng ở góc độ điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cũng hết sức chú trọng thực hiện nhiều giải pháp để tăng tính chủ động, tăng lương nhưng không tăng giá.

Trong cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa qua, nhiều giải pháp cũng đã được đề cập, như đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, điện…, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục họp bàn và chỉ đạo các cơ quan không được để thiếu các mặt hàng này.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Các Bộ, ngành cũng chủ động điều hành nhịp nhàng giá của các mặt hàng Nhà nước quản lý như viện phí, học phí, trên cơ sở tín hiệu thị trường để có điều chỉnh phù hợp, nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giúp lạm phát kỳ vọng thay đổi.

Bên cạnh đó là những giải pháp về thanh kiểm tra thị trường theo quy định của Luật Giá 2023, kiểm tra hoạt động về kê khai giá, thực hiện kiểm tra về bán hàng hóa, chống đầu cơ, lũng đoạn, thao túng giá…

“Với tất cả những giải pháp đã thực hiện thì thị trường, người dân, doanh nghiệp và xã hội đã thích ứng với việc tăng lương, không có nhiều tác động đến tâm lý, song song với những giải pháp chủ động của Chính phủ và cơ quan quản lý thì sẽ không có tác động lớn đến thị trường” - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-luong-tu-1-7-lam-phat-lieu-co-gia-tang-post303016.html