Tăng mạnh, giá xuất khẩu cà phê Arabica lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023
Xuất khẩu cà phê tiếp tục được lợi khi giá Arabica hiện đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023.
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch ngày 9/11, sắc xanh gần bao trùm bảng giá nguyên liệu công nghiệp. Trong đó, giá hai mặt hàng cà phê Arabica và Robusta tăng lần lượt 2,55% và 1%. Như vậy, giá Arabica đã chạm mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2023. Tồn kho cà phê trên Sở hàng hóa liên lục địa (ICE) tiếp tục giảm sâu, lo ngại nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ kép lên giá.
Trong báo cáo kết phiên ngày 9/11, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US giảm thêm 8.266 bao loại 60kg, đưa tổng số cà phê đang lưu trữ về 302.235 bao. Đây là số lượng cà phê tồn kho thấp nhất kể từ tháng 4/1999.
Hơn nữa, xuất khẩu cà phê trong tháng 10 của Việt Nam chỉ đạt 43.725 tấn, giảm 14,2% so với tháng trước và thấp hơn gần một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Số liệu này phản ánh lượng cà phê vụ cũ của nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới đã cạn, trong khi cà phê vụ mới chưa sẵn sàng đẩy ra thị trường.
Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, trong quý 3/2023, xuất khẩu cà phê Robusta, Arabica và Excelsa giảm lần lượt 45,5%, 69,2% và 66,7%, trong khi xuất khẩu cà phê chế biến tăng 11,4% so với quý 2/2023. So với quý 3/2022, xuất khẩu hầu hết các chủng loại cà phê giảm, nhưng cà phê chế biến tăng trưởng lên đến 33,9%. Điều này cho thấy cà phê chế biến của Việt Nam ngày càng được ưa chuộng, trong đó có cà phê hòa tan.
Về nhu cầu tiêu thụ thực tế, số liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, kim ngạch nhập khẩu cà phê hòa tan toàn cầu đã thiệt lập kỷ lục mới là hơn 6 tỷ USD trong năm 2022, tăng 18,6% so với năm 2021.
Với lịch trình bận rộn của dân số ngày nay, đồ ăn, đồ uống tiện lợi, nhanh chóng, giá cả phải chăng và dễ tiếp cận đang ngày càng trở nên phổ biến. Điều này sẽ giúp phát triển thị trường cà phê hòa tan. Đây được xem là cơ hội cho các nước xuất khẩu cà phê, trong đó có Việt Nam.
Theo các chuyên gia, cà phê chế biến được xem là một trong những lời giải cho bài toán nâng cao giá trị gia tăng cho ngành cà phê, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030.
Mặc dù chiếm chưa đến 10% tổng lượng cà phê xuất khẩu của cả nước nhưng kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đang chiếm tới hơn 19% doanh thu toàn ngành. Giá xuất khẩu trung bình cà phê chế biến trong 9 tháng đầu năm nay lên đến 5.413 USD/tấn, gấp 2,5 lần so với giá cà phê nhân.
Trong các FTA Việt Nam đã tham gia ký kết, tất cả thị trường đều mở cửa cho sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam với mức thuế ưu đãi từ 0-5%. Đây được xem là lợi thế để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước xuất khẩu hàng đầu khác như Brazil, Indonesia...
Định hướng chiến lược của ngành cà phê Việt Nam đến năm 2030 là tiếp tục đẩy mạnh mặt hàng cà phê chế biến (cà phê rang xay, cà phê hòa tan...) hơn là chú trọng vào số lượng cà phê nhân bởi bài học quá khứ cho thấy nếu tăng diện tích hơn nữa, tình trạng dư cung, giá giảm sẽ quay trở lại.