Tăng mô hình phát triển kinh tế để giảm nghèo
Giảm tỷ lệ hộ nghèo vượt chỉ tiêu, tăng mô hình phát triển kinh tế hiệu quả…, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc trở thành điển hình trong thực hiện giảm nghèo.
Hôm chúng tôi đến, chị Nguyễn Thị Mai, ở thôn Diêm Trường 2, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc đang cặm cụi may hàng gia công, trong ngôi nhà mới khang trang. Chị Mai kể, cách đây 8 năm, chồng chị, lao động chính trong nhà bị bệnh rồi qua đời. Một mình chị, nghề nghiệp không ổn định, gồng gánh nuôi 2 con đang tuổi ăn, tuổi học. Ba mẹ con tá túc trong ngôi nhà xiêu vẹo. Năm đó, chị được xã đưa vào diện hộ nghèo.
Khi thuộc hộ nghèo, 3 mẹ con chị Mai được hưởng bảo hiểm y tế miễn phí. Các con chị đi học được miễn giảm học phí. Bản thân chị Mai được hội phụ nữ xã giới thiệu học nghề may miễn phí. Có nghề trong tay, chị lại được chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tư thiết bị máy may để nhận may hàng gia công. “Với lợi thế nhận hàng gia công tại nhà nên tôi tranh thủ được mọi thời gian rảnh để làm việc”, chị Mai nói.
Sự chăm chỉ của chị Mai dần được đền đáp, lượng khách hàng tin tưởng vào tay nghề của chị ngày càng lớn, thu nhập được cải thiện. Ngoài chi phí trang trải cho cuộc sống chị Mai đã có của để dành. Tiếp thêm động lực cho chị, năm 2022, chị được chính quyền xã Vinh Hưng hỗ trợ 40 triệu đồng xây nhà tình thương. Có nhà ở kiên cố cộng thu nhập ổn định, cuối năm 2022 chị Mai đã chủ động viết đơn xin thoát nghèo. “Tôi muốn thoát nghèo để dành suất hộ nghèo cho người khác cần thiết hơn tôi”, chị Mai bộc bạch.
Tương tự, hộ chị Trần Thị Thẻo, ở thôn Trung Hưng cũng đã thoát nghèo bền vững nhờ mô hình sản xuất nem chả chị gầy dựng từ số vốn vay ưu đãi dành cho hộ nghèo.
Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, hộ gia đình chị Mai, chị Thẻo là điển hình vươn lên thoát nghèo của xã. Theo ông Huy, năm 2021 số hộ nghèo trên địa bàn xã là 91 hộ, năm 2022 giảm xuống còn 54 hộ, chiếm tỷ lệ 2,32% vượt chỉ tiêu đề ra, xã đang phấn đấu cuối năm nay giảm còn 34 hộ, chiếm tỷ lệ 1,46%.
Đạt được kết quả đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững xã Vinh Hưng triển khai rốt ráo đồng loạt nhiều giải pháp. Trước tiên, rà soát để xác định nguyên nhân dẫn đến hộ nghèo, tiếp đó lên kế hoạch giúp đỡ, từ hỗ trợ giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm đến hỗ trợ nhà ở, chính sách tín dụng ưu đãi đến khuyến nông - lâm, khuyến ngư... Trong đó, chú trọng đến hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. “Các tổ chức chính trị, đoàn thể huy động nguồn xã hội hóa hỗ trợ cho 19 hộ nghèo xây dựng các mô hình nuôi cá lồng, nuôi heo, nuôi gà với tổng số tiền hỗ trợ hơn 38 triệu đồng. Đồng thời, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cho các hộ cận nghèo với nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng”, ông Huy cho biết.
Cùng với điển hình xuất sắc trong phong trào “Vì Người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Vinh Hưng còn là điển hình trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Tiêu biểu là các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, chế biến các loại mắm, sản xuất mứt gừng… Trong đó, sản phẩm dưa lưới được sản xuất theo chuẩn VietGap của anh Hoàng Minh Sang, thôn Diêm Trường là một trong 12 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2022. Hiện sản phẩm đang được tiêu thụ theo chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định. Thông qua mô hình, đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 27 lao động, thu nhập trung bình mỗi lao động từ 6-9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua huyện cho biết, Vinh Hưng là một trong những xã điển hình thực hiện phong trào “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo được triển khai đồng bộ, tạo được sự chuyển biến rõ nét về kết quả thực hiện. Từ đó, tạo được điểm nhấn trong phát triển kinh tế - xã hội.