Tăng mức phân bổ từ nguồn thu bảo hiểm y tế cho hoạt động khám, chữa bệnh
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động KCB lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động Quỹ BHYT xuống 8%.
Sáng 15/11, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Xóa bỏ địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh
Trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn của Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, các nội dung lớn của Dự thảo Luật đã đạt được sự đồng thuận của các cơ quan tham gia tiếp thu, chỉnh lý.
Về dự kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý một số nội dung lớn, bà Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về quy định phạm vi được hưởng, mức hưởng, đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) BHYT ban đầu, chuyển cơ sở KCB BHYT, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và để đồng bộ với Luật KCB năm 2023, Dự thảo Luật đã bổ sung, làm rõ các hình thức KCB mới được thanh toán chi phí KCB BHYT như: KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà.
Về đăng ký KCB ban đầu, KCB theo cấp chuyên môn kỹ thuật, Dự thảo Luật hiện đang được thiết kế theo hướng quy định quyền của người có thẻ BHYT trong việc đăng ký KCB ban đầu tại cơ sở KCB cấp ban đầu và cấp cơ bản; khái quát nguyên tắc phân bổ thẻ BHYT cho cơ sở đăng ký KCB ban đầu và giao Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ theo thẩm quyền ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện tại Điều 26; quy định việc chuyển cơ sở KCB được thực hiện theo yêu cầu chuyên môn và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB, việc chuyển người bệnh về cơ sở KCB BHYT ban đầu để điều trị, quản lý đối với các bệnh mạn tính tại Điều 27.
Bên cạnh đó, quy định về mức hưởng BHYT được thiết kế trên cơ sở xóa bỏ “địa giới hành chính” trong KCB theo chỉ đạo của UBTVQH, giữ ổn định mức hưởng BHYT theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp như bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cơ sở KCB cấp chuyên sâu.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật quy định, đối tượng là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu tiếp tục hưởng mức BHYT chi trả 95% chi phí KCB như quy định hiện hành để bảo đảm sự công bằng với các đối tượng hưu trí khác.
Khắc phục vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh
Liên quan đến quản lý, sử dụng Quỹ BHYT, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động KCB lên 92%, giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%. Trong đó, dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng.
Đồng thời, Dự thảo Luật quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh quyết toán tại Điều 35.
Dự thảo Luật cũng quy định việc mua thuốc, thiết bị y tế và thanh toán thuốc, thiết bị y tế, chuyển dịch vụ cận lâm sàng trong trường hợp cơ sở KCB thiếu thuốc, thiết bị y tế để điều trị cho người bệnh và quy định cơ chế để Quỹ BHYT thanh toán cho các trường hợp này.
Để khắc phục tình trạng không đủ căn cứ đánh giá tính hợp lý của hoạt động cung cấp dịch vụ KCB, Dự thảo Luật đã giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định Kiểm toán nhà nước thực hiện kiểm toán Báo cáo quyết toán chi tổ chức, trong đó có chi phí quản lý Quỹ BHYT của cơ quan BHXH hằng năm tại khoản 2 Điều 10 để đồng bộ với Luật BHXH.
Phát biểu thảo luận tại Phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, một trong những điều mà cử tri quan tâm là sửa Luật BHYT lần này có giúp thanh toán chi phí KCB BHYT dễ dàng hơn không? Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục ban hành những văn bản quy định hướng dẫn chi tiết việc thi hành luật và tổ chức giám sát, đánh giá thường xuyên việc thanh toán BHYT; đồng thời, thực hiện công khai Quỹ BHYT để người dân biết.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị khắc phục tình trạng phân biệt đối xử giữa KCB dịch vụ và KCB bằng BHYT bởi thực tế nhiều khi khám bệnh bằng BHYT rất chậm trễ.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh chỉ rõ, Dự thảo Luật bổ sung phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT được Quỹ BHYT thanh toán khi KCB từ xa, hỗ trợ KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà. Tuy nhiên, qua rà soát Dự thảo Luật cho thấy, chưa có quy định bổ sung cách thức thanh toán cho những đối tượng này. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung này, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi của việc mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Luật BHYT có phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, đến cơ sở KCB, Quỹ BHYT và ngân sách nhà nước, do đó cần rà soát kỹ lưỡng, nhất là về thủ tục hành chính để đảm bảo linh hoạt trong quản lý, điều hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Theo chương trình Kỳ họp 8, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT vào chiều ngày 27/11.