Tăng mức trợ cấp cho học sinh dân tộc thiểu số, miền núi
Kể từ ngày 1-5-2025, chính sách hỗ trợ đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo… sẽ tăng cao hơn trước.

Các học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh diễn tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật trong Cuộc thi Tìm hiểu pháp luật do nhà trường phối hợp với Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh: Đ.Phú
Đây là quy định mới tại Nghị định 66/2025/NĐ-CP ngày 12-3-2025 của Chính phủ quy định về chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách (viết tắt Nghị định 66).
Mở rộng đối tượng thụ hưởng
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Nghị định 66 là quy định đối tượng được thụ hưởng rộng hơn gồm: trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên như: trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non; học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông; học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông; học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78; học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học (khoản 1, Điều 2. Nghị định 66).
Luật gia Cao Sơn Hà (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Nghị định 66 ngoài mở rộng đối tượng thụ hưởng đối với trẻ em nhà trẻ, cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, còn quy định mức hỗ trợ cao hơn so với Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18-7-2016 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (gọi tắt Nghị định 116).
Tại khoản 3, Điều 5 Nghị định 66 quy định học sinh, học viên nếu bị lưu ban thì năm học lưu ban đầu tiên vẫn được hưởng chính sách quy định tại Nghị định 66. Trường hợp học sinh, học viên phải tạm dừng học do ốm đau, tai nạn hoặc vì lý do bất khả kháng không do kỷ luật hoặc tự thôi học thì vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ quy định tại Nghị định 66 trong thời gian tạm dừng học.
Điều 6 Nghị định 66 quy định khá chi tiết về mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú, học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học. Chẳng hạn, chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú: tiền ăn trưa mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ 360 ngàn đồng/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Riêng chính sách đối với học sinh bán trú và học viên bán trú gồm: mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng là 936 ngàn đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học…
Trong khi đó, khoản 1, Điều 5 Nghị định 116 quy định, học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định 116 được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo với mức hỗ trợ như sau: mỗi học sinh được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ tiền nhà ở: đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ gạo: mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Điều kiện, nguyên tắc hưởng
Luật gia Chu Văn Hiển (Hội Luật gia tỉnh) hướng dẫn, tại khoản 2, Điều 15 Nghị định 66 quy định, các chính sách quy định tại Nghị định số 116 và Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT/BTC-BGDĐT ngày 29-5-2009 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và đào tạo hướng dẫn chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc được thực hiện đến hết năm 2024. Chính sách quy định tại Nghị định 66 được thực hiện từ năm 2025. Điều này có nghĩa là bắt đầu từ ngày 1-5-2025, nếu các đối tượng đã được thụ hưởng được 8/9 tháng của năm học 2024-2025 theo Nghị định 116, thì tháng cuối cùng của năm học 2024-2025, tức là tháng 5-2025, được thụ hưởng theo Nghị định 66 với mức cao hơn.
“Khi thụ hưởng theo Nghị định 66 thì đối tượng thụ hưởng phải tuân theo Nghị định 66 về: điều kiện được hưởng chính sách trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú (Điều 4); nguyên tắc hưởng chính sách (Điều 5); mức hưởng chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học viên bán trú, học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học (Điều 6); mức hưởng chính sách đối với cơ sở giáo dục (Điều 7) với nhiều chính sách ưu đãi hơn so với Nghị định 116 đã hết hiệu lực” - luật gia Chu Văn Hiển lưu ý.
Đồng Nai hiện có trên 50 thành phần DTTS đang sinh sống với gần 200 ngàn người (chiếm 7% tổng dân số toàn tỉnh). Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) gồm: Trường PTDTNT tỉnh; Trường PTDTNT THCS-THPT Điểu Xiểng và Trường PTDTNT liên huyện Tân Phú - Định Quán, thu hút trên 1 ngàn học sinh DTTS trong tỉnh theo học. Bên cạnh đó, còn có hàng ngàn học sinh, sinh viên là con em đồng bào DTTS đang theo học tại các trường từ mầm non đến đại học.
Theo Sở Dân tộc và tôn giáo, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục và đào tạo đối với con em đồng bào DTTS, đến nay toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách ưu tiên cho con em đồng bào DTTS trong tỉnh theo đúng tinh thần Nghị định 116. Nhờ vậy, con em đồng bào DTTS không chỉ được học văn hóa, học nghề mà thêm hiểu biết, yêu quý và trân trọng các giá trị di sản văn hóa truyền thống của các DTTS, đóng góp tài lực cho sự phát triển của địa phương. Ngày 1-5, Nghị định 66 bắt đầu có hiệu lực và thay thế Nghị định 116 có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo công bằng giáo dục, giúp trẻ em và học sinh tại các khu vực khó khăn có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền.