Tăng năng lực hấp thụ vốn
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5%-2%/năm, mặc dù lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Tính đến hết tháng 9/2023, tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,7 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6,9% so với đầu năm.
Tuy nhiên, con số tăng trưởng trên chỉ mới đạt 1/3 kế hoạch cả năm ngành ngân hàng đề ra. Tăng trưởng tín dụng chậm trong cả khối ngân hàng thương mại tư nhân và ngân hàng có vốn nhà nước. Đặc biệt, tín dụng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm hơn 19%, tín dụng bất động sản giảm tới 15%.
NHNN thừa nhận, tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước là do sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế yếu, cầu tín dụng giảm. Cộng với các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu, dẫn đến tồn ngân quỹ nhà nước (các khoản thu từ thuế, phát hành trái phiếu) hiện đang ở mức cao (chiếm 6,94% tổng phương tiện thanh toán) đang làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế, gây khó khăn cho việc huy động vốn của cả doanh nghiệp lẫn các tổ chức tín dụng.
Trong khi đó, các tổ chức tín dụng rất khó khăn khi quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp có mức độ rủi ro cao trong bối cảnh chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao; đơn hàng, doanh thu giảm... và không thể hạ được chuẩn tín dụng cho vay để đảm bảo an toàn hệ thống. Tiền gửi nhiều nhưng cho vay yếu nên mới đây, NHNN buộc phải hút về 100.000 tỷ đồng lượng tiền không lưu thông ra khỏi hệ thống ngân hàng, để giảm “ùn ứ” tiền trong hệ thống ngân hàng.
Rõ ràng, các giải pháp của ngành ngân hàng đã và đang triển khai như giảm lãi suất điều hành, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới là rất cần, nhưng chưa đủ.
Hiện lãi suất không còn là rào cản khi doanh nghiệp, người dân tiếp cận thuận lợi nguồn vốn tín dụng với lãi suất ở mức phổ biến 7,5- 8,5%/năm. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang vay mức lãi suất trên 10%/năm, thậm chí 13%-14%/năm.
Chính vì thế, nhiều chuyên gia kiến nghị, mặt bằng lãi suất đã giảm rất mạnh nhưng còn cao so với lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được nếu phải vay vốn ngân hàng để kinh doanh. Do đó, cần giải pháp hạ lãi suất hữu hiệu, thực chất hơn để có nhiều doanh nghiệp vay được mức lãi suất thấp. Trong bối cảnh sức hấp thụ nền kinh tế còn yếu do sức cầu giảm, giải pháp trước hết là kích cầu sức mua, giảm lãi vay. Khi đó ngân hàng mới chữa được bệnh “thừa” tiền.
Theo các chuyên gia tài chính, lạm phát bình quân 9 tháng năm 2023 là 3,16%, thấp hơn mục tiêu 4,5%, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, tăng 4,49% từ đầu năm đến nay. Từ nay đến cuối năm còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro gia tăng lạm phát, do áp lực tăng giá các mặt hàng nhà nước quản lý (điện, nước, y tế, giáo dục) theo lộ trình. Cùng đó, diễn biến xung đột chính trị - quân sự tại một số quốc gia, khu vực có thể tác động làm tăng giá các mặt hàng năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào.
Để thực sự cải thiện thị trường tín dụng, từ đó tạo hiệu ứng tích cực đến nền kinh tế, cần phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nữa. Đó là kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; phát triển các loại thị trường vốn, trong đó có việc ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đồng thời, cần xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, chứng khoán để nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn thông qua các quỹ bảo lãnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-nang-luc-hap-thu-von-post467668.html