Tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế
Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.
Không có gì "đắt" hơn một lần bỏ lỡ cơ hội
Tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đánh giá cao các kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong 9 tháng năm 2023. Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về 5/15 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là năm thứ ba liên tiếp không đạt chỉ tiêu này.
Đề nghị giảm giờ làm trong khu vực tư
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới, đại biểu cho biết.
Phân tích sâu hơn về năng suất lao động, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho biết, theo đánh giá của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% của Hàn Quốc, bằng 58,9% của Trung Quốc, bằng 63,9% của Thái Lan và bằng 94,2% của Philippines. Trong khi đó, Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và so với Thái Lan 10 năm.
“Khi nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh thì hiện nay chúng ta có những gì hay mới chỉ bắt đầu?” - đại biểu nêu vấn đề.
Nhấn mạnh quan hệ Việt - Mỹ được nâng cấp sẽ mở ra cơ hội lớn cho các ngành sản xuất quan trọng, đại biểu đề nghị phải có chính sách đột phá, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế đang là nút thắt cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Dẫn câu nói của triết gia Mỹ “Không có gì đắt hơn một lần bỏ lỡ cơ hội”, đại biểu cho rằng cơ hội cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng đã đến, chúng ta không được phép bỏ lỡ cơ hội quý giá này.
Năng suất lao động cũng là vấn đề băn khoăn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh). Theo đại biểu, chỉ tiêu tăng năng suất lao động không đạt phản ánh kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn để có thể bắt kịp năng suất lao động của các nước trong khu vực. Do đó, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ phát triển tiên tiến của các nước.
Khắc phục tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp
Một khía cạnh khác của tình hình kinh tế mà đại biểu Dương Văn Phước (đoàn Quảng Nam) quan tâm là khó khăn của doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn hiện nay còn rất lớn.
Trong đó, việc tiếp cận các nguồn vốn vay hiện nay rất khó khăn, nhất là các khoản vay trung và dài hạn do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp, hầu hết chỉ có thể tiếp cận được khoản vay ngắn hạn. Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, các khoản thu của doanh nghiệp chậm được thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, các ngân hàng hầu như không chấp nhận những tài sản này để làm tài sản đảm bảo, đây chính là rào cản rất lớn để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay.
Do đó, đại biểu kiến nghị cần thiết kế các gói tín dụng phục vụ cho sản xuất kinh doanh, để khắc phục tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng của doanh nghiệp. Trước mắt là cần tập trung khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng thông qua việc tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn.
Trong khi đó, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng kinh tế đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng vẫn còn những vấn đề xã hội đáng quan tâm. Đó sự bất bình đẳng trong đời sống và thu nhập.
Một số liệu cho thấy mức chênh lệch giữa các nhóm 20% dân số giàu nhất và nhóm 20% dân số nghèo nhất của năm 2014 là 9,7 lần; năm 2018 là 10 lần; năm 2020 là 8 lần và năm 2023 là cũng 8 lần. Nếu số liệu này là đúng cho thấy sự chênh lệch này khá ổn định và việc chúng ta rút ngắn khoảng cách này cũng diễn ra tương đối chậm.
Bên cạnh đó, đạo đức, lối sống, có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc trong xã hội. “Có ý kiến cho rằng tâm trạng một bộ phận xã hội mong kinh tế như hôm nay, còn đạo đức như ngày xưa” - đại biểu chia sẻ.
Từ thực tế này, đại biểu đề nghị hoàn thiện cơ chế tạo ra sự tiếp cận bình đẳng về cơ hội giữa những người giàu với những người nghèo. Theo đại biểu: “người dân không bất bình với sự làm giàu và đang tích cực làm giàu chính đáng, chỉ phẫn nộ và bất bình với sự làm giàu bất chính, tham nhũng, tiêu cực mà thôi”.
Ngày mai (1/11), Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về các nội dung kinh tế - xã hội. Liên quan đến một số vấn đề các đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính… sáng mai sẽ phát biểu trong thời gian khoảng 10 phút để trao đổi về các vấn đề này.
Tháo gỡ khó khăn cho “những con tàu 67”
Trong phần phát biểu, đại biểu Dương Văn Phước cũng đề cập đến chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67. Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện tỷ lệ nợ xấu cho vay theo chính sách này rất cao. Ở Quảng Nam tỷ lệ nợ xấu chiếm trên 92% và chiếm tỷ lệ cao trong tổng nợ xấu. Với những quy định còn rất bất cập, chưa tính đến hiệu quả kinh tế dẫn đến nhiều chủ tàu lâm nợ, tàu hư hỏng nặng phải nằm bờ. Nhiều ngư dân và các ngân hàng gần như bế tắc trong việc xử lý, thu hồi nợ, chưa tìm được hướng ra cho các con tàu đóng theo Nghị định 67.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức đánh giá, xem xét lại một cách toàn diện, kịp thời tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong việc thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67.